Tại báo cáo vĩ mô tháng 2, Công ty CP Chứng khoán SSI thông tin tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 24.2 tăng 0,77% (thấp hơn hẳn mức tăng 2,52% của cùng kỳ năm 2022 - PV), huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022. Tín dụng tăng chậm giúp thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn vẫn khá ổn định.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ yếu hút ròng thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong 2 tháng đầu năm lên 197.000 tỉ đồng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, giảm áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá USD/VND chỉ tăng 0,7% so với cuối 2022, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh đồng USD tăng 1,3%. Tuy nhiên, rủi ro về thanh khoản trong thời gian tới vẫn khá lớn, trong bối cảnh các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng trong năm 2023 theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán VnDirect (VnDirect) sẽ chậm lại và đạt khoảng 12%. Nguyên nhân đến từ thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7.2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…
Mặc dù thanh khoản ngân hàng có phần cải thiện nhưng vẫn còn hạn hẹp cũng làm cho đà tăng trưởng tín dụng chậm lại. Dự báo cho cả năm 2023, VnDirect đánh giá tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng như VPBank là 22% và HDBank 20% sẽ dẫn đầu danh sách. Xếp sau là MBBank với mức tăng trưởng tín dụng 18%, ACB 13%, LienVietPostBank 13%, VCB 12%, VIB và TCB cùng 11%, TPB 10%.
Bình luận (0)