Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là cách điều tiết nguồn nhân lực

30/12/2016 17:11 GMT+7

Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến diễn đàn Tăng tuổi nghỉ hưu , trong đó có nhiều ý kiến đề xuất những giải pháp hợp lý.

Xu hướng 
Theo tôi, phương án nới tuổi nghỉ hưu là phù hợp xu hướng phát triển tất yếu của các xã hội văn minh (cho dù vấn đề này chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới một bộ phận người dân). Nới tuổi nghỉ hưu cho người lao động không chỉ trước mắt giải quyết quỹ lương như chúng ta vẫn nêu, mà về lâu dài còn là một cách điều tiết các nguồn nhân lực, tỷ trọng ngành nghề, đem lại cơ cấu sản phẩm cho xã hội, làm biến chuyển sâu sắc tập tục không chỉ của một bộ phận xã hội…; là một trong những giải pháp rất căn bản nhằm công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bên cạnh các ưu điểm nêu trên, việc nới độ tuổi nghỉ hưu còn gặp một số khó khăn liên quan đến cơ hội việc làm và phát triển cho thế hệ trẻ, tập tục và thói quen, chất lượng cân bộ hiện nay,...
Tuy nhiên chúng ta cần xem xét, đánh giá các vấn đề trên tác động của sự dịch chuyển xã hội, tổng thể các vấn đề văn hoá, kinh tế, xã hội,... trong các bước ngắn, dài của lộ trình phát triển. Và chắc chúng ta cũng thấy cơ hội việc làm nhiều ít, phong phú hay không, lại phụ thuộc phần lớn vào chất lượng xã hội, phụ thuộc vào sự chuyển dịch cơ cấu và chất lượng ngành nghề trong xã hội,...
Vì vậy, chúng ta nới độ tuổi về hưu (nam 62 - 65, nữ 58 - 60,..hay cao hơn nữa) là hợp lý và cần thiết nhưng chỉ nên dành cho một số đối tượng ngành nghề phù hợp.
Chúng ta không cần chọn phương án trung dung (phương án 1 năm 3 tháng) và không cần phải chờ đợi lúc nào tiến hành mới phù hợp hơn lúc này nữa.
Có vài ý kiến đóng góp mong có ích cho công cuộc phát triển xã hội của chúng ta.
(Bạn đọc Hoàng Bích Lan- email: hoanganh81k@icloud.com)
Tăng là phù hợp
Theo tôi việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng là phù hợp nhưng phải xem xét lại đối tượng, thành phần áp dụng. Có tăng thì cần có giảm, khi người ta có nhu cầu. Ví dụ đối tượng là công nhân lao động trực tiếp, nguy hiểm, độc hại thì khi 60 tuổi đã không đáp ứng được công việc, nên cho chuyển công việc nhẹ nhàng hơn kèm theo lương thấp (do chuyển chuyển ngạch) vào những năm này. Vậy đối với người lao động trực tiếp, nguy hiểm, độc hại ... khi có nhu cầu thì nên giải quyết giảm xuống 58 tuổi về hưu vẫn hưởng đủ chế độ, thay vì nâng lên 62 tuổi.
(Bạn đọc Nhất Nguyễn email: vannhatgl@gmail.com)
Kéo dài thời gian hữu ích cho xã hội
Tăng tuổi cũng được vì giúp cho con người kéo dài thêm thời gian hữu ích cho xã hội và cho chính mình. Nhưng phải tính mức hưởng lương hưu cho xứng đáng, đảm bảo cho người già cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc là đi du lịch. (Fanpage Nga Dongkim)
Lương hưu thấp nhưng lương làm việc lại cao 
Theo quan điểm của tôi thì tuổi nghỉ hưu đang quy định hiện nay trong Bộ luật lao động năm 2012 là rất phù hợp vì:
Đối với nam 60 tuổi nghỉ hưu là vừa vì đã cống hiến nhiều cho xã hội. Cần phài có thời gian để nghỉ ngơi và đồng thời cũng có vài năm để hưởng lương hưu cho biết. Cuộc đời đã cống hiến nhiều, hôm nay được xã hội chăm lo, quan tâm lại. Đó là điều làm cho họ thấy vui, sống tốt với gia đình, con cháu, xã hội. Thứ hai là cần phải nghỉ ngơi để thế hệ trẻ có điều kiện cống hiến cho xã hội cái tư duy mới, còn già rồi ngồi đó hưởng lương, tư duy lạc hậu, lỗi thời. Chính vì thế cần nghỉ đúng tuổi, nếu có trường hợp sức khỏe yếu, điều kiện khác không cho phép thì nên cho nghỉ sớm hơn qui định. Không nhất thiết là 60 tuồi mới về hưu.
Đối với nữ 55 tuổi về hưu là hợp lý. Vì người phụ nữ chính là trụ cột trong gia đình. Người chồng đi làm, quan hệ tiếp khách, tăng ca. Nhưng đối với phụ nữ thì hạn chế hơn vì còn phải sinh đẻ, chăm sóc con cái, cơm nước, chợ búa cho gia đình. Lo toan công việc ở cơ quan... Nên kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Đặc biệt là người phụ nữ đã qua sinh đẻ, sức khỏe bị giảm sút, tinh thần không còn minh mẫn lúc cao tuổi. Cần phải nghỉ hưu đúng tuổi và có thể nghỉ hưu sớm hơn nếu điều kiện cho phép.

tin liên quan

VN cần nâng dần tuổi nghỉ hưu
Bà Celine Peyron Bista, Cố vấn trưởng dự án về bảo hiểm xã hội khu vực ASEAN của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng đã đến lúc VN cần nâng dần tuổi nghỉ hưu
Theo tôi tăng tuổi nghỉ hưu lên có thể sẽ giảm được một phần quỹ chi trả cho lương hưu. Nhưng tính đi tính lại, lương hưu thì ít, nhưng khi lãnh lương làm việc thì cao gấp nhiều lần. Ví du: lương +phụ cấp + thưởng … Còn khi về hưu rồi thì chỉ lãnh lương hưu mà thôi, khi có chết thì được thêm tiền tử tất chút đỉnh.
Nhiều trường hợp tôi thấy mới nghỉ hưu là đã chết rồi. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên nữa chắc có những người không biết lãnh lương hưu là gì. Phải nghỉ hưu để thế hệ trẻ lên làm việc mới có tư duy mới, sáng kiến mới. Điều kiện kinh tế phát triển, đất nước sẽ vững mạnh.
Đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xem lại vấn đề này trước khi trình ra Chính phủ. (dinhson.cl@gmail.com)
Không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu
Qua tính toán của ngành bảo hiểm, nếu kéo dài thời gian người lao động nghỉ hưu, thì qũy bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên đó là điều tất nhiên. Tuy nhiên nhìn vào thể trạng sức khoẻ của người Việt Nam, không thể nào bằng thể trạng sức khoẻ của người dân ở các nước phương tây được, do thu nhập và mức sống của họ cao hơn ta nhiều. Cứ nhìn vào cầu thủ bóng đá của nước ta, so với cầu thủ của các câu lạc bộ bóng đá châu Âu thì cũng đã rõ. Với thu nhập và mức sống của người lao động ở nước ta hiện nay, thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy là phù hợp.
Ở nước ta, phần đa tuổi kết hôn của những cặp vợ chồng đều là người Việt Nam, thường chênh lệch nhau giữa nam và nữ từ 3 đến 5 tuổi; nếu như tuổi về hưu nam và nữ bằng nhau, thì người chồng về hưu trước, trong khi đó người vợ vẫn tiếp tục đi làm việc, mãi đến 3 hay 5 năm sau người vợ mới được nghỉ hưu, rõ ràng cuộc sống trong gia đình sẽ không được ổn, do vậy việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ theo quy định của Bộ luật Lao động hiện nay là phù hợp.
Để có thể tăng thêm nguồn qũy bảo hiểm xã hội , đề nghị điều kiện về hưu cần nâng mức thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đối với nữ là từ 25 năm, đối với nam là từ 30 năm. Vì thực tế hiện nay các em sinh viên học chuyên môn sau khi ra trường công tác thường ở độ tuổi 23 - 25, nếu công tác được 30 năm, đóng bảo hiểm xã hội 30 năm, thì mới đến 55 tuổi thôi.
(Bạn đọc Minh Trí email: phuvinh958@gmail.com).
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Chúng tôi xin nhận các ý kiến của bạn đọc về tăng tuổi nghỉ hưu tại địa chỉ e-mail: tshn.btn@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.