Ở Quảng Trị, chỉ duy nhất sông Sa Lung mới có loài nhuyễn thể này. Cây bần chua cũng được tạo hóa cố ý “sắp xếp” cho mọc ở những bờ bãi phù sa nơi này, và cùng với nuốt tạo thành một đặc sản khác nữa.
Con nuốt sông Sa Lung - món ‘sứa’ nước lợ gây thương nhớ |
Sông Bến Hải, dòng sông từng chia cắt hai miền Nam - Bắc suốt 21 năm, hẳn rất nổi tiếng nhưng sông Sa Lung thì không phải ai cũng biết. Bởi đây là dòng sông khá bé, chảy xuyên qua những làng quê của đất thép Vĩnh Linh trước khi hợp lưu ở ngã ba Hiền Lương đổ vào sông Bến Hải để chảy ra biển. Dù không rộng, không dài nhưng Sa Lung vẫn có thứ để gây thương nhớ cho những ai ghé thăm, với dòng nước trong xanh, những hàng tre vít sát mép nước, những hàng bần chua cắm rễ giữa phù sa và món gỏi nuốt nức tiếng.
Hình hài con nuốt khi được bắt lên từ sông Sa Lung |
THANH LỘC |
Những bậc cao niên, vốn dĩ từng tắm lội trên dòng sông này không biết bao nhiêu lần, cho hay Sa Lung có thể từng mang tên Sa Long. Chuyện rằng, từ thuở hồng hoang, có con rồng cái bay từ biển qua vùng đất này để tìm nơi “lót ổ”. Tiếc thay, lúc ấy rồng chuyển dạ, sa xuống và xác thân chìm vào lòng đất. Con rồng huyền thoại ấy đã tạo thành dòng Sa Lung trong xanh ngày nay, như tấm thảm xanh dài gần 60 km bềnh bồng giữa mênh mông làng mạc, ruộng đồng nhiều xã của H.Vĩnh Linh.
“Độc quyền” Sa Lung
Thú thực, nếu không sinh sống ở Quảng Trị chục năm có lẻ, người viết sẽ không biết về loài nhuyễn thể này. Bởi từ Quảng Bình trở ra Bắc, con nuốt thực sự là cái tên rất xa lạ. Có chăng, người ta chỉ biết đến loài anh em miền biển của chúng là sứa. Nhưng nếu đặt “hai người anh em” này lên bàn cân để đo lường về độ thơm ngon, độc đáo thì loài sứa chỉ biết chào thua. Và kể từ lần đầu tiên, vượt 40 km từ TP.Đông Hà ra xã Vĩnh Long (H.Vĩnh Linh) theo lời gọi mời đầy vẻ “trạng Vĩnh Hoàng” của một bằng hữu rằng “không ăn con nuốt… tiếc nửa đời người”, chúng tôi bắt đầu vấn vương món nuốt và phải lui tới đây biết bao lần. Cứ đến mùa nuốt là đi.
Qua rất nhiều công đoạn chế biến mới có được món nuốt ngon miệng |
Theo kinh nghiệm nhiều năm chăng lưới vớt nuốt trên sông Sa Lung, anh Nguyễn Văn Hoàng, một người dân thôn Phúc Lâm (xã Vĩnh Long), bảo cứ khi gió nồm nam thổi mạnh là mùa nuốt đã tới, tức tầm tháng 4 đến tháng 8. Chính người đàn ông chuyên nghề sông nước này đã mời tôi xuống đò để trải nghiệm chuyến đi bắt nuốt. Mới hay loài động vật chỉ sống trong vùng nước lợ này khá trong suốt ở dưới nước, nhưng khi vớt lên thì chuyển màu trắng sữa, phớt xanh, có lúc lại ửng hồng. Trên mình của chúng có những chấm đen gây tò mò, có thể nghĩ đến một ký tự cổ xưa nào đó. Có người còn xem cái thứ mềm nhũn này lại có hình dáng giống bạch tuộc, dù nuốt còn bé hơn sứa. Nhưng dù thế nào việc cầm một con nuốt sống trên tay, để cho những xúc tu của chúng bám vào thịt, cảm giác nhồn nhột, mát mát… cũng sẽ là một trải nghiệm không dễ có. “Nhiều người ăn nuốt sần sật khen ngon, chứ đã biết hình thù con nuốt nó ra sao đâu. Vì chỉ cần mang lên bờ thì nhà hàng phải sơ chế ngay, không thì con nuốt rọ nước và tan mất. Anh may mắn đấy!”, anh Hoàng cười bảo.
Ở Quảng Trị, nuốt chỉ có duy nhất ở đây, trên dòng Sa Lung. Có nhọc công đi chăng nữa cũng khó tìm ra câu trả lời cho những nghi vấn kiểu như vì sao loài ấy ra đời, sinh sôi, có nhiều thứ tương đồng, vì sao sông này có nuốt sông khác lại không? Đành chấp nhận thực tế: nuốt chỉ sống ở Sa Lung vì con nước ở Sa Lung như thế, cái nắng gió trên sông Sa Lung như thế và bùn đất phù sa dưới đáy Sa Lung như thế!
Đĩa gỏi nuốt hoa bần chuẩn vị |
Ẩm thực một món: Gỏi nuốt hoa bần
Khác với nhiều sản vật của các dòng sông khác, nuốt hầu như chỉ làm được món ẩm thực duy nhất: gỏi nuốt hoa bần. Nhưng vì nhiều lý do, món ăn thuộc dạng hiếm thấy này đang đứng đầu bảng đặc sản ẩm thực ở Vĩnh Linh hiện nay.
Từ con nuốt trắng khi vừa vớt lên khỏi mặt nước, cho đến khi trở thành món ăn mà thực khách đưa lên miệng, phải qua rất nhiều công đoạn, theo tuần tự mà chỉ có những cư dân ven bờ Sa Lung mới biết làm thế nào là chính xác. Kẻ tay ngang như tôi, qua mấy lần nhìn lén nghe lóm chỉ xin chép sơ lại như sau.
Nuốt sau khi vớt lên được tách chân, đầu rồi phơi nắng, rồi mới ngâm trong nước lá ổi, giấm để tạo độ giòn. Chỉ khi chuẩn bị lên mâm mới vớt nuốt ra, để ráo. “Đồng hành” với nuốt là nhiều loại rau trái nhà quê như quả vả, chuối chát, khế chua, dưa chuột, hoa chuối thái mỏng, giá đỗ, rau mùi các loại. Nhưng có một thứ không thể thiếu để làm đĩa nuốt đúng chuẩn, chính là hoa bần. Chúng là những sợi màu trắng hồng li ti rất bắt mắt được rải lên trên đĩa, khi ăn có vị chát nhẹ. “Kỳ lạ là sông Sa Lung có nuốt lại có cây bần, kỳ lạ nữa là mùa nuốt cũng vừa lúc hoa bần nở. Tưởng như chúng sinh ra để dành cho nhau”, chị Thương, chủ một quán ăn chuyên phục vụ nuốt ở dọc bờ Sa Lung thuộc xã Vĩnh Long, ví von.
Nhiều loại rau quả tự nhiên sử dụng khi làm món gỏi nuốt |
Nhiều thực khách phải thừa nhận bát nước chấm thực sự góp phần tạo nên “hồn cốt” của món gỏi nuốt hoa bần. Đó có thể là bát nước mắm nhĩ “thần thánh” với tỏi, ớt, tương, tiêu, nhưng tuyệt nhất vẫn là khi được pha chế từ ruốc biển thành một thứ nước loãng, màu đỏ sậm, dậy mùi, cay nồng quyện cùng hạt lạc giã nhỏ.
Nếu chưa quen, khi gắp miếng đầu tiên đưa vào miệng, bạn hãy còn rụt rè. Nhưng từ đây, lưỡi của bạn sẽ rối bời vì hương vị: sần sần và mát ngọt của nuốt, chua và chát của vả, khế; cay và thơm lừng từ nước chấm… Khi ấy, bạn lại muốn ăn thêm miếng nữa. Cứ như vậy đến lúc bụng đã no căng mà tay vẫn muốn gắp và miệng vẫn muốn ăn. Nhưng thực ra không nên ăn nuốt quá nhiều, bởi đây là loại vật có tính hàn, dễ khiến bụng dạ “thở than”…
Ăn gỏi nuốt hoa bần còn có cái thú khi ngồi trên những chòi gỗ được bà con tiểu thương dựng lên dọc mép nước Sa Lung, tha hồ đón gió trời. Dọc thôn Phúc Lâm có hơn chục cái “nhà hàng thiên nhiên” như thế. Dung dị thôi, nhưng tiếng lành đồn xa, mỗi mùa nuốt đến, con đường làng bé nhỏ đón hàng đoàn xe chở khách thập phương về đây thưởng thức đặc sản trứ danh. Đến những người lạc quan nhất vùng này cũng không ngờ cái con nuốt bèo nhèo trước đây chẳng ai thèm ngó, nay lại mang “cơm no, áo ấm” cho dân làng. (còn tiếp)
Tặng vật của những dòng sông
Bình luận (0)