Từ xa xưa, sứa đã trở thành món ăn quen thuộc của ngư dân miền biển như Hải Phòng, Thái Bình…Hàng năm, cứ độ từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 7 là thời điểm sứa vào mùa, ngư dân bắt đầu ra khơi vớt sứa từ 2 - 3 giờ sáng. Có những con sứa to, nặng cả nửa tạ được bà con vớt về và chế biến thành nhiều món ăn như nộm, gỏi, bún...
Có những con sứa nặng đến nửa tạ |
CÙ HIỀN |
Với người dân H.Thái Thụy (Thái Bình) thì chủ yếu làm món sứa muối quả vẹt. Đây là món ăn giải nhiệt, bồi bổ, giúp cơ thể chống lại cái nóng nực của mùa hè và cũng là món ăn đặc sản tạo nên nét rất đặc trưng của ẩm thực vùng biển Thái Bình.
Theo bà Nguyễn Thị Hồi (khu 9, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) sau khi bắt sứa về cần phải chế biến ngay, nếu để lâu sẽ mất đi vị thơm ngon đặc trưng. Không phải ai cũng có thể sơ chế được loại này bởi nếu không biết làm, chỉ cần chạm vào thân sứa sẽ khiến làn da rất ngứa ngáy.
Do đó, trước khi chạm vào sứa, người chế biến phải dùng dầu máy bôi khắp hai bàn tay. Quá trình làm sạch sứa cần cắt bỏ ruột và làm sạch nhớt, sau đó mới cắt sứa thành từng miếng nhỏ.
Sứa là loài thuỷ sinh, thịt có dạng keo trong suốt, mình rất dày và được xắt thành nhiều miếng nhỏ sau khi làm sạch |
CÙ HIỀN |
Sứa là loài thủy sinh, thịt có dạng keo trong suốt, chứa đến 80% là nước. Vì vậy, để bảo quản sứa được lâu, mọi người đã nghĩ ra cách ngâm sứa với muối và quả vẹt trong chum, vại, lu để ăn quanh năm.
Chia sẻ thêm về món ăn độc đáo này, bà Nguyễn Thị Dịch (khu 9, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy), người đã có 30 năm truyền thống với nghề sứa muối vẹt, cho biết: “Có nhiều cách muối sứa chua, nhưng người dân Thái Bình chủ yếu muối với quả vẹt. Sau khi thu hái, quả vẹt được ninh kỹ, giã nhuyễn, ủ lên men với sứa. Trời nóng, ủ sứa vẹt 7 ngày là ăn được, trời lạnh phải cần 15 - 20 ngày sứa mới ngấu. Với cách nấu này, sứa sẽ giữ được vị thơm, ngon trong khoảng 1 tháng. Món ăn phải đạt đủ độ dai, giòn cần thiết của thịt sứa. Ngoài ra cần có cả vị chua, chát, mặn, ngọt và có nước màu bã trầu, đỏ bắt mắt từ quả vẹt”.
Với ngư dân Thái Thuỵ, cây vẹt không chỉ có tác dụng phòng hộ ven biển, chắn gió, chắn sóng…cho bà con, mà quả vẹt còn là một loại nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên món sứa muối vẹt đặc sản của người
Cây vẹt là nguyên liệu không thể thiếu cho món sứa muối vẹt này |
CỦ HIỀN |
Quả vẹt có màu xanh, nhưng sau khi ninh nhừ sẽ chuyển màu sang đỏ, có mùi hương nồng, vị chát. Từ quả tiết ra một loại chất, giúp sứa không bị tanh, thịt giòn và có màu đỏ bắt mắt.
Sau khi được ninh nhừ, quả vẹt sẽ cho ra một loại chất bảo quản tự nhiên giúp sứa giữ được hương vị thơm ngon và độ giòn dai nguyên bản |
CÙ HIỀN |
Một nét riêng để phân biệt món “sứa muối vẹt” Thái Bình với các món nộm, gỏi sứa ở các vùng miền khác là nước chấm.
Các đồ ăn kèm với sứa muối vẹt cũng rất phong phú và cầu kỳ |
CÙ HIỀN |
Theo ngư dân ở đây, loại nước chấm có thể giữ được hương vị của món ăn này chỉ có mắm tôm. Người dân nơi đây thường nói, nếu ăn được mắm tôm, sẽ nghiền sứa muối vẹt. Để pha được nước mắm tôm chuẩn vị cũng đòi hỏi sự cầu kỳ không kém.
“Phải chọn loại mắm tôm ngon, múc ra bát nhỏ, vắt thêm miếng chanh tươi, ớt, đường rồi quấy mạnh cho đến khi hỗn hợp này sủi bọt. Khi ăn, lấy lá tía tô và kinh giới gói miếng sứa cùng một lát đậu phụ rán, gối thêm một miếng cùi dừa sau đó cuộn tròn, chấm mắm tôm rồi ăn. Miếng sứa mát, giòn cộng hưởng với vị bùi của cùi dừa, vị thơm của tía tô và kinh giới với thêm vị béo mềm của đậu nướng, quyện với mắm tôm là chuẩn vị”, bà Dịch nói.
Cứ mỗi độ hè sang, nhiều người con xa quê của Thái Thuỵ lại nhớ da diết món thanh đạm, đậm vị biển của quê nhà |
CÙ HIỀN |
Sứa muối vẹt có nhiều loại và nhiều giá, nhưng gia đình bà Dịch chỉ bán loại nhà mình làm vì đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ mang đến giá trị mới cho món đặc sản quê mình. Với giá từ 20 - 50.000 đồng/kg tùy loại, cơ sở của bà chỉ bán buôn, mỗi ngày bán 1 tấn sứa vận chuyển đi khắp các tỉnh trên cả nước. Thậm chí, nhiều người nước ngoài xa quê hương, nhớ món ăn thanh đạm sứa muối vẹt mà phải bảo người nhà mua gửi sang.
Bình luận (0)