Trong khi tình trạng này thường lành tính và sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày, thì những cơn đau do táo bón có thể cần phải đi khám bác sĩ.
Mọi người thường thử một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm táo bón.
Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc hoàn toàn không thể đại tiện được trong nhiều ngày liên tiếp thì nên đi khám. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây táo bón, chẩn đoán đúng bệnh và đề xuất phương pháp điều trị hiệu quả, theo Healthgrades.
Điều trị táo bón tốt nhất là phòng ngừa
Hầu hết các trường hợp táo bón đều không nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung nhiều chất xơ hoặc dùng một số thuốc nhuận trường mua ở quầy thuốc. Nhưng cũng có những trường hợp táo bón là bệnh nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế thích hợp, theo Timesofindia.
Một số người đại tiện mỗi ngày, trong khi những người khác chỉ đi một lần một tuần. Hầu hết mọi người đều từng bị táo bón |
Shutterstock |
Để giảm nguy cơ bị táo bón, hãy đảm bảo ăn một chế độ ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên. Đi bộ là cách tuyệt vời để giữ cho đại tràng hoạt động tốt.
Khi nào thì cần đi khám?
Táo bón hiếm khi đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu táo bón thường xuyên có thể là do các vấn đề nghiêm trọng trong đại tràng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn, theo Timesofindia.
Cần đi khám nếu táo bón xuất hiện thêm các triệu chứng sau:
Đau bụng dữ dội
Táo bón gây khó chịu và đầy hơi, nhưng nếu đau bụng dữ dội thì hãy đi khám ngay. Trường hợp bị táo bón nặng, tắc ruột có thể dẫn đến rách ruột và nhiễm trùng. Đau bụng quá mức cần được điều trị ngay để tránh mọi biến chứng.
Có máu trong phân
Phân đen, phân có máu hoặc phân giống như nhựa đường, nâu sẫm hoặc đen và nhớt hoặc chảy máu trực tràng nghiêm trọng đều nguy hiểm và cần đi khám ngay.
Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như bệnh trĩ, bệnh viêm ruột hoặc thậm chí là ung thư đại trực tràng.
Hoàn toàn không thể đại tiện trong 4 - 5 ngày
Đại tiện ít hơn 3 lần một tuần được coi là táo bón. Nếu không thể đại tiện dù đã thử các biện pháp điều trị tại nhà trong 4 - 5 ngày, nên đi khám, theo Healthgrades.
Nếu để đến 1 tuần, có thể dẫn đến phân kết chặt cứng không thể đi qua hậu môn.
Nếu không thể đại tiện dù đã thử các biện pháp điều trị tại nhà trong 4 - 5 ngày, nên đi khám |
Shutterstock |
Một số dấu hiệu khác đi kèm với táo bón cần phải đi khám ngay:
Mất ý thức hoặc ngất xỉu
Gặp bất kỳ vấn đề nào về hô hấp
Bụng phình to, sờ vào thấy căng cứng
Sốt cao hơn 38 - 38,5 độ
Nhịp tim nhanh
Vàng da hoặc vàng mắt
Nôn mửa, đặc biệt nếu giống như bã cà phê, theo Timesofindia.
Ngoài ra, thường xuyên bị táo bón kéo dài trong 3 tuần trở lên, cũng cần phải đi khám sớm, theo WebMD.
Nguyên nhân phổ biến của táo bón
Táo bón có thể phát sinh vì nhiều lý do, từ các vấn đề về chế độ ăn uống đến những thay đổi trong thói quen hằng ngày.
Một số nguyên nhân gây táo bón là:
Mất nước do uống không đủ nước
Chế độ ăn ít chất xơ do không ăn đủ rau quả tươi
Ít vận động có thể khiến đại tràng hoạt động chậm, theo Healthgrades.
Một số loại thuốc kháng axit, thuốc lợi tiểu và thuốc giảm đau opioid
Đi du lịch cũng thường gây táo bón tạm thời
Rối loạn tiêu hóa, bao gồm hội chứng ruột kích thích kèm theo táo bón hoặc viêm túi thừa
Các chứng bệnh làm chậm hoạt động của ruột kết, như suy giáp hoặc ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ruột, như bệnh đa xơ cứng
Tắc ruột do một khối u đè lên ruột, hoặc tắc trực tràng do thoát vị thành trực tràng gây rối loạn tống phân qua hậu môn, theo Healthgrades.
Bình luận (0)