Tạo 'cần câu' phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

02/04/2024 16:45 GMT+7

Thời gian qua, NHCSXH huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi nói chung và các chương trình tín dụng dành cho hộ đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói riêng.

Qua đó, tiếp sức cho hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện xây dựng, sửa chữa nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tạo 'cần câu' phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Chị H'Điệp Niê ở buôn Hra Ea Tlă, xã Đray Bhăng chăm sóc đàn bò của gia đình

Huyện Cư Kuin có 26.024 hộ với 17 dân tộc sinh sống, trong đó DTTS chiếm 32,18% dân số toàn huyện, sinh sống tại 86 thôn và 27 buôn. Đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện và khả năng thoát nghèo thấp. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn, NHCSXH huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội liên quan để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách về đối tượng vay vốn, nguồn vốn vay, điều kiện cho vay đến với người dân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích.

Phó giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Cư Kuin Hoàng Thị Thanh Tâm cho biết: Để nguồn vốn đến được với người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS, thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; rà soát lại các đối tượng đủ điều kiện vay vốn, tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao…

Là hộ được vay vốn chương trình hộ nghèo, bà H'Duc Bkrông ở buôn Pưk Prông, xã Ea Ning chia sẻ, năm 2018, gia đình được vay 30 triệu đồng về trồng và cải tạo vườn hồ tiêu nhưng do không có kinh nghiệm chăm sóc, đến năm 2022 vườn tiêu chết rụi. Trong lúc gia đình đang thiếu vốn để sản xuất thì được tiếp cận với chương trình cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề để phát triển chăn nuôi gia đình nên thấy rất phấn khởi. Bà H'Duc vui vẻ nói: "Cán bộ NHCSXH huyện hướng dẫn làm hồ sơ rất nhiệt tình; tạo điều kiện để gia đình tôi được vay 50 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi chỉ 3,3%/năm, tôi yên tâm tập trung phát triển kinh tế".

Đối với trường hợp gia đình chị H'Điệp Niê ở buôn Hra Ea Tlă, xã Dray Bhăng, việc được vay vốn theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm giúp gia đình chị có thêm chiếc "cần câu" để phát triển kinh tế. Chị tâm sự: Hai anh chị cưới nhau từ năm 2016, đến nay có 3 mặt con; trong đó, đứa lớn nhất mới hơn 6 tuổi, đứa nhỏ nhất đang còn bế ẵm. Anh chị sống cùng bố mẹ già, cả nhà trông chờ vào 4 sào rẫy trồng cà phê cùng thu nhập từ lương của chồng chị làm công tác dân vận của Đảng ủy xã.

Được vay 50 triệu đồng từ năm 2020, gia đình chị đã mua 3 con bò (2 con bò cái, 1 con bò đực) để bố mẹ hỗ trợ chăn thả, phù hợp với sức lao động, điều kiện của gia đình. "Đến nay, lứa bò cũ đã đẻ được 2 con và đang chuẩn bị có thêm 1 con bê nữa. Nhìn đàn bò ngày một phát triển; kinh tế ngày một đi lên, cả nhà ai cũng vui mừng", chị H'Điệp Niê phấn khởi nói.

Không riêng gì bà H'Duc Bkrông và chị H'Điệp Niê mà nhiều hộ đồng bào DTTS tại các buôn ở huyện Cư Kuin đang được vay vốn chính sách để tiếp sức trong chặng đường vươn lên thoát nghèo. Những năm qua, với nguồn vốn chính sách của Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào DTTS. Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên toàn huyện đạt 452 tỉ đồng, với 10.337 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó, hộ đồng bào DTTS được vay vốn là 4.972 hộ, chiếm hơn 48% trên tổng số hộ vay, thụ hưởng 14/16 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ 173 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.