Tạo cú hích

06/12/2014 05:15 GMT+7

Nhiều quyết sách linh hoạt, quyết liệt của lãnh đạo TP.Hà Nội trong năm qua không chỉ tạo ra các hiệu ứng tích cực về tăng trưởng, mà còn tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân.

Trong một năm tình hình kinh tế chung còn nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP năm 2014 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Tổng sản phẩm trên địa bàn nếu quý 1 chỉ đạt 6,6% thì quý 4 đã tăng 11,2%, bình quân cả năm dự kiến tăng 8,8%, cao hơn 1,52 lần mức tăng chung của cả nước. Lạm phát cũng được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến tăng dưới 5%. TP cũng đã giải quyết việc làm cho khoảng 140.000 lao động, hỗ trợ 14.500 hộ thoát nghèo và là điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Hà Nội cũng vươn lên đứng thứ 5/63 tỉnh thành phố về cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 18 bậc lên vị trí thứ 33...

Không chỉ là những con số, sự quyết liệt trong điều hành còn được thể hiện qua những lần Bí thư Thành ủy trực tiếp “vi hành” xe buýt, hay sẵn sàng gặp gỡ người dân, yêu cầu lập ngay đoàn thanh tra để xác minh thông tin phí “bôi trơn” để làm sổ đỏ. Những “cú hích” mạnh từ bên trên đã tạo ra lực đẩy chuyển động cho guồng máy hành chính vốn bị xem là khá ì ạch, quan liêu của Hà Nội. Kết quả dễ dàng thấy được là chỉ trong vài tháng cuối năm, số lượng người dân được cấp sổ đỏ đã tăng vượt trội.

Người dân cần nhiều những cú hích từ trên như vậy, nhưng cũng cần bản thân bộ máy công quyền của TP chuyển động để mang lại lợi ích thiết thân cho người dân. Với vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, đề đạt những bức xúc của cử tri đến bộ máy hành chính của TP, người dân rất kỳ vọng vào các nghị quyết, quyết sách lớn của HĐND TP cũng như vai trò giám sát của hội đồng với hoạt động của bộ máy chính quyền. Kỳ họp thứ 11 của HĐND TP vừa diễn ra cũng đã đề cập đến một số vấn đề như sai sót trong quản lý biệt thự công, nước sạch cho người dân, cơ chế kiểm soát an toàn thực phẩm còn hạn chế... Tuy nhiên, các đại biểu do dân cử cũng chưa có quyết sách với một số vấn đề gai góc như số lượng biên chế, hợp đồng lao động quá nhiều, bất hợp lý; quản lý đất đai, sổ đỏ, lãnh đạo về hưu không chịu từ bỏ nhà công vụ; hiệu quả đầu tư còn lãng phí, cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp, người dân không được tiếp cận với quy hoạch chung của TP...

Những bức xúc mà cử tri kiến nghị sẽ đến với lãnh đạo UBND các cấp, qua đó, làm chuyển động bộ máy công quyền, tạo ra các “cú hích” mà người dân cần.

Mai Hà

>> Tại sao Hà Nội loại 312 biệt thự cổ khỏi danh mục quản lý?
>> Chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội: Nhiều sai sót trong quản lý biệt thự
>> Hà Nội sắp tăng giá xe buýt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.