Tạo cú hích nhân lực cho điện hạt nhân

25/10/2013 12:32 GMT+7

Nhân lực được coi là một trong những cốt lõi đảm bảo vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân, nhưng làm thế nào đảm bảo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho điện hạt nhân vẫn đang là câu hỏi.


Kỹ sư vận hành tại lò phản ứng điện hạt nhân Đà Lạt - Ảnh: Vũ Vân 

Báo cáo triển khai dự án điện hạt nhân tại Quốc hội, Bộ Công thương cho biết, về nguồn nhân lực đã có 139 sinh viên cam kết sẽ về làm việc cho nhà máy Ninh Thuận 1, chủ yếu được đào tạo tại Nga. Nguồn cho nhà máy Ninh Thuận 2 khoảng 180 người, đào tạo tại các trường đại học có các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân trong nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét đào tạo tại Nhật Bản 100 sinh viên cho chuyên ngành hạt nhân.

Theo TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều dự án hợp tác về nhân lực, nhất là các lĩnh vực năng lượng nguyên tử và an toàn hạt nhân. EVN cũng đã có những chính sách ưu tiên đặc biệt nhằm thu hút nhân tài cho lĩnh vực điện hạt nhân, tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân nói riêng, phát triển năng lượng nguyên tử nói chung tại Việt Nam hiện nay, rất cần một kế hoạch khoa học và tổng thể.

Theo đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đến năm 2020, thời điểm điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến đi vào hoạt động, cần phải đào tạo được tối thiểu 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành, trong đó, thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài để phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, thống kê của ngành giáo dục cho biết, số lượng đào tạo trong nước với điện hạt nhân còn khá khiêm tốn. Nếu so với thực tế đào tạo hiện nay, ước tính sơ bộ đến năm 2020 chỉ có khoảng 2.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử, trong đó có điện hạt nhân, đáp ứng được 1/2 nhu cầu của ngành.

Để giải quyết tình trạng này, EVN cho biết sẽ hỗ trợ sinh viên theo học tại các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển và là các nước bán công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam. EVN cũng đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với các đơn vị nước bạn. Ngoài những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vé máy bay, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế..., các sinh viên có cam kết làm việc cho các dự án điện hạt nhân trong nước của tập đoàn sẽ được EVN cấp thêm 200 USD/tháng và lệ phí dự tuyển.

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 124 ngày 14.10 quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Với nhân sự đào tạo trong nước, đối với sinh viên đào tạo trình độ CĐ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ như miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí, cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nếu xếp loại học lực giỏi trở lên… Đối với  sinh viên đào tạo trình độ ĐH được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí, cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 2,5 mức lương cơ sở cho CBCCVC nếu xếp loại học lực giỏi trở lên…; đồng thời, xem xét tuyển chọn đi thực tập 6 tháng ở nước ngoài, nếu năm cuối của chương trình đào tạo đạt học lực khá trở lên.

Các chuyên gia cho rằng, Nghị định này nếu được triển khai hiệu quả sẽ tạo cú hích lớn cho áp lực về nhân sự điện hạt nhân của Việt Nam.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.