Ra thông tư không cho ĐH, học viện đào tạo trung cấp rồi sau đó lại cho phép một số trường ĐH đào tạo bậc học này, Bộ GD-ĐT rõ ràng đang lúng túng.
Trường trung cấp khốn khó
Các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) rất lo ngại về động thái “tiền hậu bất nhất” của Bộ GD-ĐT. Ông Đỗ Hữu Khoa - Chủ tịch Khối liên kết các trường TCCN đồng thời là Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn - cho biết: “Khi Thông tư 57 ban hành, các trường TCCN rất phấn khởi và đã rà soát, chấn chỉnh lại việc đào tạo, đầu tư thêm cơ sở vật chất. Nhưng hiện nay các trường đang rất bối rối”. Ông Khoa cho rằng, Bộ có thể cho các trường ĐH đào tạo những ngành mà hệ thống trường TCCN chưa có, nhưng phải theo lộ trình cụ thể để các trường TCCN mạnh dạn đầu tư mở thêm nhiều ngành mà trường ĐH đang đào tạo. “Nếu các trường ĐH vẫn được đào tạo bậc TCCN tràn lan, sao chúng tôi dám đầu tư nữa?”, ông Khoa chua chát nói.
Việc Bộ GD-ĐT đã ra thông tư quy định về việc trường ĐH không được đào tạo TC rồi sau đó lại cho phép các trường ĐH đào tạo bậc này là trái quy định của pháp luật |
||
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM |
||
Cứng rắn hơn, ông Dương Minh Kiên - Hiệu trưởng Trường TC Quang Trung - bày tỏ: “Bộ quy định rồi chính Bộ lại làm sai thì sẽ gây mất niềm tin. Trường này xin được thì trường khác cũng muốn xin. Y dược có một số trường TCCN đào tạo tuy chưa nhiều. Văn hóa nghệ thuật thì lại có rất nhiều trường CĐ đào tạo. Vì thế không thể lấy lý do “ngành đặc thù” để cấp phép cho trường ĐH đào tạo TC”.
Thạc sĩ Trần Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường TC Nghề Việt Giao, tuyên bố: “Các trường ĐH vẫn còn đào tạo bậc TC đã cho thấy sự bất cập trong quản lý nhà nước ở bậc sau giáo dục THPT”. Còn bà Đặng Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường TC Mai Lĩnh (Quảng Trị) - nhận định: “Hiện nay rất nhiều trường TCCN đang sống dở chết dở vì tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Một số trường kêu gọi ai có tiền thì mua lại hoặc góp cổ phần vì không đủ sức để hoạt động nữa”. Hiệu trưởng một trường TCCN tại TP.Cần Thơ bức xúc nói Bộ GD-ĐT tiếp tục cho các trường ĐH tuyển sinh TCCN như thế chẳng khác nào chất thêm sự khốn khó cho những trường TCCN chính danh, tuyển sinh, đào tạo bài bản, làm ăn đàng hoàng.
“Ngành đặc thù”
Điều 4 luật Giáo dục hiện hành quy định: “Giáo dục ĐH và sau ĐH đào tạo trình độ CĐ, trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ”. Thông tư 57 ra đời vào cuối năm 2011 là một động thái để các trường ĐH thực thi đúng pháp luật. Điều này khiến các trường TCCN vui mừng vì đây là cơ hội cho họ phát huy sức mạnh của mình, tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh.
Thế nhưng sau khi ra Thông tư 57 để phù hợp với luật Giáo dục thì Bộ GD-ĐT lại đi ngược lại bằng cách cho phép một số trường đào tạo TCCN với các lý do: Đấy là các ngành đặc thù mà các trường TCCN chưa đào tạo được (kỹ thuật viên y tế, văn hóa, nghệ thuật…); các chuyên ngành đặc thù phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị của các bộ, ban, ngành, địa phương (các trường khối ngành quốc phòng, an ninh, sư phạm…); các trường ĐH đóng trên các địa bàn Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ; trường ĐH đóng trên địa bàn, địa phương chưa có trường TCCN hoặc có trường TCCN nhưng chưa có những ngành phù hợp với nhu cầu; trường ĐH vừa được thành lập trên cơ sở trường CĐ… Cách lý giải của Bộ có nhiều điểm chưa hợp lý.
|
Lấy trường hợp của Trường ĐH Tây Đô làm ví dụ. Qua tìm hiểu của Thanh Niên, 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL hiện có trên 30 trường TC và khoảng 30 trường CĐ, trường chính trị cấp tỉnh… tham gia đào tạo TCCN. 12/13 tỉnh thành đều có trường TC y tế, CĐ y tế tuyển sinh hằng năm để đào đạo các ngành liên quan đến y, dược, điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật viên xét nghiệm đa khoa… Còn các ngành như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, kế toán, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng… các cơ sở đào tạo TCCN tại 13 tỉnh thành ĐBSCL hiện đang chiêu sinh với số lượng khá lớn. Nhìn chung, ĐBSCL hiện không thiếu cơ sở đào tạo TCCN nhưng tại sao Bộ lại cho phép Trường ĐH Tây Đô tuyển sinh bậc TCCN trong năm 2012 này?
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trần Công Ly Tao - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, khẳng định việc làm hiện nay của Bộ là trái luật. “Việc Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư quy định về việc trường ĐH không được đào tạo TC rồi sau đó lại cho phép các trường ĐH đào tạo bậc này là trái quy định của pháp luật. Theo quy định, từ đạo luật xuống đến luật, đến pháp lệnh, nghị định rồi mới đến thông tư. Sự “tiền hậu bất nhất” này gây bất ổn trong hệ thống pháp luật. Theo luật, tất cả những văn bản Bộ GD-ĐT đồng ý cho ĐH đào tạo TC được ban hành sau này đều không có giá trị pháp lý”, luật sư Ly Tao cho biết.
Sao không đưa ra lộ trình? Lý giải về việc tại sao Bộ lại cho phép một số trường ĐH được tuyển sinh TCCN trong khi đã ban hành Thông tư 57, PGS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Khi ban hành Thông tư 57, Bộ muốn để các trường ĐH tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo các trình độ theo luật định và thực hiện nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Khi đưa dự thảo thông tư để lấy ý kiến, Bộ không nhận được phản hồi nào từ các trường. Vì vậy, quy định đã được ban hành. Tuy nhiên, đến khi thực hiện thì bị vướng vì bậc TCCN trong trường ĐH đã tồn tại từ nhiều năm trước và còn được đào tạo ở rất nhiều trường. Đặc biệt, trong thực tiễn có những ngành nghề đặc thù ở bậc TC mà các trường TCCN không đào tạo được. Vì vậy, cần thiết phải giãn tiến độ Thông tư 57 nói trên để có thể vừa đào tạo nhân lực trình độ TC vừa tận dụng nguồn lực con người và thiết bị của nhà trường hiệu quả”. Nếu thực tế đúng như vậy, tại sao khi ban hành Thông tư 57, Bộ không đề ra lộ trình cụ thể để thực hiện? Chẳng hạn trong năm 2012, những loại trường ĐH nào cần chấm dứt bậc TCCN; trường ĐH nào giảm quy mô đào tạo TCCN theo từng giai đoạn… Vả lại, nếu cảm thấy chưa đủ điều kiện chín muồi, không nhất thiết Bộ GD-ĐT phải ban hành Thông tư 57 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2012. Cũng xin nói rõ rằng, là một cơ quan quản lý giáo dục của một quốc gia, khi thay đổi một chính sách, thông tư về quản lý cần dựa vào một cơ sở khoa học làm nền tảng, chứ không thể “tiền hậu bất nhất”, hoặc chưa đủ căn cứ khảo sát hay điều tra rõ ngọn ngành để chứng minh. Nếu Thông tư 57 không phù hợp thì tại sao Bộ GD-ĐT không ra văn bản “rút” nó đi, để thực hiện “giãn tiến độ” theo cách nói của Bộ. Hệ lụy của việc này, có thể tạo đất sống cho cơ chế “xin - cho”. Thanh Niên |
Đ.Nguyên - V.Thơ - Q.M.Nhật - M.Quyên
Bình luận (0)