Hiện 676 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm giữ khối tài sản 3,8 triệu tỉ đồng. Năm 2023, dù có nhiều khó khăn, nhưng tổng doanh thu của các DNNN đạt khoảng 1,65 triệu tỉ đồng, vượt 4% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế khoảng 125.800 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166.000 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Song bên cạnh một số đầu tàu kinh tế, không ít DN còn thua lỗ, chưa thể hiện được vị trí chủ đạo, tiên phong.
Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, để có những DNNN xứng tầm, phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng. Cạnh đó, cần giải pháp cho DNNN chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh... Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng NN-PTNT VN (Agribank), cho rằng để DNNN dám nghĩ, dám làm, cơ chế quản lý vốn đầu tư, hoạt động cần sớm được đổi mới. Tăng cường giao quyền tự chủ cho DNNN, trên tinh thần chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu. Giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm ngay từ sớm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại. Tránh chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận đơn thuần. Đặc biệt, cơ chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ trong DNNN cũng cần được đổi mới triệt để.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thì đề nghị các DNNN tập trung vào tái cấu trúc về tổ chức bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội theo công thức "1 vốn nhà, 4 vốn người" để có điều kiện phát triển. Ông Diên cũng đề xuất Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương còn lại, cũng như phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản… Tạo ra những động lực, những dư địa mới cho các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương phát triển.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu ra các vướng mắc hiện nay như trong vấn đề tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, cần quản lý đầu vào hay đầu ra? Có được quyền tự quyết trong vấn đề trả lương để thu hút người tài, giải quyết các vấn đề khoa học phát sinh? Cạnh đó, việc tăng vốn, đầu tư cho DN nào là do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không thể tạo cơ chế để đầu tư tràn lan, không biết hiệu quả như thế nào. Song cũng cần có chính sách để DNNN tự chủ trong trả lương. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng để DN phát triển, điều quan trọng là thị trường, chứng minh được sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh.
Lắng nghe các kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn bên cạnh các DNNN, cũng như DN FDI và DN tư nhân trong nước. Dù kết quả kinh doanh của các DNNN năm 2023 khá ấn tượng, song theo Thủ tướng, vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng.
Việc đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả. Còn tình trạng DN để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý. DNNN chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt. Một trong những nguyên nhân là do tâm lý còn sợ sai, sợ trách nhiệm, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp.
Để phát huy vai trò chủ đạo của DNNN, Thủ tướng yêu cầu các DN tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả, duy trì nắm giữ, tăng vốn tại DN sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún.
"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi. Theo đó, phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nhấn mạnh. Về phía các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện, cơ hội cho DN phát triển, "không để DN đến xin, đến kêu thì mới làm".
Bình luận (0)