Tạo môi trường bình đẳng cho người chuyển giới

Như Lịch
Như Lịch
11/10/2018 19:37 GMT+7

Chiều 11.10, tại TP.HCM, Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) chính thức khởi động dự án “Nhu cầu về Luật chuyển giới và dịch vụ y tế - xã hội nhạy cảm giới cho người chuyển giới nữ”.

Với sự tài trợ của Quỹ sáng kiến địa phương Canada, dự án này được thực hiện từ tháng 10 năm nay cho đến tháng 2.2019, hướng tới hai mục tiêu: Nâng cao nhận thức về nhu cầu và những vấn đề của người chuyển giới trong công chúng, các nhà cung cấp dịch vụ, nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông; Tạo môi trường thuận lợi để người chuyển giới nữ được thừa nhận về giới tính của mình tại VN.

Theo thạc sĩ Nguyễn Nguyên Như Trang, Giám đốc LIFE, những người chuyển giới là nhóm dễ bị tổn thương, cần sự quan tâm hơn nữa của xã hội về chăm sóc sức khỏe, công ăn việc làm và nhất là được khẳng định giới tính mà họ mong muốn.

Tại đây, một số người mẫu, ca sĩ chuyển giới nữ đã chia sẻ về những trăn trở trong đời sống thường nhật. Người mẫu, ca sĩ Hoài Sa tâm sự: “Tôi nhận thấy điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là có được sự chấp nhận và chỗ dựa từ gia đình. Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế để thực hiện nhu cầu chuyển giới cũng rất cần thiết. Trên thực tế, có những bạn tiêm silicon sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe hoặc phải qua Thái Lan phẫu thuật, hậu phẫu quá tốn kém… Theo tôi, người chuyển giới không cần sống quá tốt, quá xuất sắc mà điều họ cần là sự bình đẳng với mọi người”.

Theo người mẫu lưỡng tính Mid Nguyễn, để được chấp nhận và làm cho xã hội thay đổi tư duy về mình, những người chuyển giới cần phải lan tỏa những điều tích cực trong cộng đồng.

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề cập Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính. Ảnh: Như Lịch

Cũng tại hội thảo trên, thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã trình bày đề tài bối cảnh VN và Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính. Trong đó, có đề cập những khó khăn hiện tại của người chuyển giới, đó là: bị kỳ thị và phân biệt đối xử; khó khăn trong tình yêu và hôn nhân; khó khăn trong cơ hội việc làm; không được đổi tên và xác định lại giới tính; không được sống như một người bình thường trong việc tham gia phương tiện giao thông, dịch vụ công cộng; rủi ro sức khỏe do thiếu thông tin về sử dụng hooc môn và các vấn đề sức khỏe, sức khỏe tâm thần, nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Ước tính VN có từ 290.000 đến 480.000 người chuyển giới (chiếm khoảng 0.3 đến 0.5% dân số).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.