Giới chuyên gia dự đoán năng lực siêu nhiên như trong loạt phim về người đột biến X-men không nằm ngoài tầm với của con người hiện đại.
|
“Nhìn” sự vật thông qua những ngón tay, hoặc cảm giác vật thể bằng tia cực tím? Mới nghe tưởng như nội dung các phim về người đột biến, nhưng giới chuyên gia cho hay đây là viễn cảnh có thể thành hiện thực trong tương lai. Điều này do các trải nghiệm về cảm giác của con người (và động vật) thông qua các giác quan như mũi đều được xử lý và diễn dịch một cách tương tự trên não, nên các cơ quan đó có thể được gia cố, thay thế và biến đổi để tạo thành các siêu năng lực ở người. “Bộ não không quan tâm đến các thiết bị ngoại vi mà chúng ta dùng để nhập dữ liệu, như mắt, tai, mũi và miệng”, theo nhà nghiên cứu David Eagleman, chuyên gia thần kinh học thuộc Đại học Y Baylor tại Texas. Phát biểu trong Hội nghị Being Human được tổ chức tại Mỹ, Eagleman dự đoán sẽ có những thiết bị ngoại vi mới và não sẽ tìm được cách sử dụng chúng.
Trải nghiệm của con người về thế giới hiện thực được thực hiện qua 5 giác quan, nhưng chỉ cho phép con người nghe được một trường hẹp của âm thanh, một phần cực nhỏ trong quang phổ ánh sáng “hữu hình”, và hệ thống mùi nghèo nàn. Trong khi đó, động vật nhận thức thế giới rất khác biệt. Chẳng hạn, dơi định hướng bằng âm thanh, bò sở hữu la bàn từ tính giúp chúng cảm giác được từ trường trái đất, và chuột chũi được trang bị chiếc mũi chứa hàng ngàn thụ quan cảm giác, cho phép chúng “cảm” được đường đi xuyên qua những đường hầm tối tăm dưới lòng đất.
Giờ đây, nhiều nhà khoa học dựa vào sự tương đồng của não động vật với người để phát triển công nghệ cho phép con người mở rộng các giác quan của mình, nói cách khác là nâng cấp theo hướng sở hữu khả năng siêu nhiên. Các cuộc nghiên cứu kéo dài nhiều thập niên qua đã giúp giới chuyên gia thu thập thông tin cần thiết về giác quan. Từ cuộc nghiên cứu vào năm 1969 cho thấy con người có thể được huấn luyện để vẽ ra khuôn mặt một người nào đó bằng cách ấn những điểm khác nhau trên lưng, đến kính đặc biệt có thể chuyển đổi các luồng âm thanh thành thông tin thị giác. Một công nghệ khác gọi là Brainport diễn dịch dữ liệu thị giác thành thông tin cảm giác, rồi truyền đến não thông qua điện cực gắn trên lưỡi, cho phép con người “nhìn” bằng lưỡi. Trong khi đó, phòng thí nghiệm của chuyên gia Eagleman đang chế tạo một bộ áo với các cảm biến xúc giác, giúp chuyển âm thanh thành cái chạm, với mục tiêu giúp người điếc “nghe” được bằng cách chạm.
Với cách tiếp cận mới, 5 giác quan truyền thống của con người được dự đoán sẽ sớm trở thành lạc hậu. Nhờ công nghệ ngày càng phát triển, các nhà khoa học muốn tạo ra những giác quan hoàn toàn mới mẻ chứ không dựa trên cái đã được tự nhiên trao tặng. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu đang phát triển công nghệ cho phép con người “ngửi” được mùi của thời tiết cách đó đến 320 km, hoặc cấy nam châm làm bằng nguyên tố neodymium vào đầu ngón tay để cảm giác được từ trường xung quanh. Thậm chí một số người chỉ cần “cảm” được “màu sắc” của từ trường xung quanh thiết bị hư hỏng và sửa chữa chúng sao cho đúng. Giống như chuyên gia Eagleman dự đoán: “Tự nhiên đã trao cho chúng ta những công cụ cần thiết để tạo ra trải nghiệm của chính mình”.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)