Tách bạch mục tiêu, tránh chồng chéo
Báo cáo Quốc hội (QH) chiều 23.7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Chính phủ đề nghị huy động 75.000 tỉ đồng để triển khai 6 dự án thuộc chương trình, gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Cho ý kiến thẩm tra về đề xuất này, Ủy ban Xã hội của QH đề nghị tách bạch các mục tiêu, tránh chồng chéo giữa chương trình giảm nghèo bền vững với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Ủy ban này đề xuất khi được thông qua chủ trương, Chính phủ cần tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu.
Đáng chú ý, với tiểu dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Ủy ban Xã hội của QH đề nghị Chính phủ làm rõ việc 550.000 hộ nghèo ở khu vực có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hỗ trợ điện thoại thông minh. Về nguồn vốn, Ủy ban Xã hội thống nhất dự kiến bố trí 20.000 tỉ đồng từ vốn đầu tư ngân sách TƯ. Đồng thời, cho rằng không nên huy động ngân sách địa phương quá lớn, khi hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn thu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tạo sinh kế, nâng cao dân trí
Thảo luận tại tổ về nội dung trên, nhiều đại biểu cho rằng khi triển khai các dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cần đặt trọng tâm cho vấn đề sinh kế, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu, không hiệu quả.
Không đồng tình việc Chính phủ đặt đề án hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các xã, huyện nghèo lên hàng đầu, đại biểu Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch T.Ư Hội Người cao tuổi VN (đoàn Hà Nội), cho hay quan điểm hạ tầng phải đi trước không còn đúng với VN, đặc biệt là các tỉnh miền núi - nơi tỷ lệ nghèo chiếm đa số. Từng là Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc nhiều năm, ông Cừ cho biết ở khu vực này, có nơi cả xã trồng cây gì cũng không phát triển, người dân không có sinh kế, rất cần nhà khoa học, huyện, tỉnh tập trung để xác định giúp người dân, chứ không chỉ vấn đề hạ tầng.
Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 giữ nguyên 22 bộ, cơ quan ngang bộSáng 23.7, với 470/470 đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành (94,19% tổng số đại biểu QH), QH đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV (2021 - 2026). Theo đó, Nghị quyết của QH nêu rõ, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, giữ nguyên như nhiệm kỳ 2016 - 2021.
|
“Lãnh đạo về tỉnh lúc nào cũng nói tỉnh rất có tiềm năng lợi thế. Tôi bảo đó là động viên nhau thôi. Bao giờ đá biến thành kim cương thì các tỉnh miền núi mới thoát nghèo. Các tỉnh miền núi có tí đất nào đâu, toàn đá thôi. Cỏ gianh cũng không mọc được thì sinh kế thế nào? Ở nhiều vùng, nhiều xã nghèo hiện bí sinh kế, phải nói là bất lực. Dân chịu khó nhưng không biết làm gì để sống”, ông Cừ nói.
Cùng quan điểm này, khi tham gia thảo luận, Phó chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn (đoàn Hậu Giang) cũng lưu ý hiện nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. “Tôi đi một xã của H.Mường Tè (Lai Châu), hỏi tỷ lệ hộ nghèo là bao nhiêu thì cán bộ xã nói là 92,5%. Tôi hỏi vậy còn 7,5% còn lại thì ở đâu, thì được trả lời là cán bộ, công chức viên chức của xã. Như vậy là nghèo toàn xã”, ông Mẫn chia sẻ.
Trao các nghị quyết của QH về công tác cán bộChiều 23.7, tại Nhà Quốc hội (QH) đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định của QH và Ủy ban Thường vụ QH về công tác cán bộ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ trao nghị quyết của QH cho các đại biểu được QH bầu làm Tổng thư ký QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các Phó chủ tịch QH trao nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH cho các đại biểu được phê chuẩn làm Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các ủy ban của QH.
|
Từ đó, Phó chủ tịch QH nhìn nhận xóa đói giảm nghèo thì quan trọng nhất là giúp người nghèo “cần câu”, chứ cho “con cá” thì “người ta ăn một vài ngày là hết rồi”. “Tôi thấy nên tập trung làm sao hướng dẫn cho người nghèo cách sản xuất, kinh doanh làm ăn. Thứ hai là nâng cao trình độ học vấn. Nghèo chính là do học vấn thấp”, ông Mẫn nói.
Bình luận (0)