Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận vừa được tổ chức ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Thanh trao đổi các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Thiện Nhân
|
Ngoài các bộ, ngành Trung ương, Tổng lãnh sự quán nhiều nước đóng trên địa bàn TP.HCM, còn có hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng tham dự hội nghị. Tỉnh Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư vào các cụm ngành kinh tế trụ cột, với khoảng 70 dự án tiềm năng ở lĩnh vực năng lượng sạch, du lịch, giáo dục - đào tạo, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến. Đơn cử như lĩnh vực năng lượng, mục tiêu của tỉnh là trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước (gồm điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Trọng tâm là đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy 4.000 MW; phát triển các nhà máy điện gió ở các vùng tiềm năng gió theo quy hoạch, với quy mô 1.500 - 2.000 MW; phát triển loại hình thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW. Ở lĩnh vực du lịch, một trong những thế mạnh của Ninh Thuận với các sản phẩm nổi trội như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Định hướng của địa phương là xây dựng ngành du lịch có tính cạnh tranh cao, có chất lượng và đa dạng về sản phẩm. Tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến nổi bật trong mạng lưới du lịch cả nước và khu vực.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết với vị trí địa lý nằm ở giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là quốc lộ 1A, đường sắt bắc - nam và quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên, cách sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km, Ninh Thuận là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh trong khu vực. Theo ông Thanh, xác định cần có một tầm nhìn chiến lược lâu dài, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trước những thách thức và thuận lợi, khó khăn đan xen, Ninh Thuận đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiểu quả các khâu đột phá. “Với những tiềm năng mà Ninh Thuận đang có, một chiến lược và kịch bản phát triển bài bản, cùng với một tinh thần thân thiện nhất của một nền văn hóa đặc sắc, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy ở Ninh Thuận những cơ hội đầu tư mới, hết sức hấp dẫn và lý tưởng. Chúng tôi khẳng định sẽ luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ, sẵn sàng hỗ trợ và tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận”, ông Thanh khẳng định.
“Theo Tập đoàn Monitor của Mỹ và Tập đoàn Arup của Anh (đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030), Ninh Thuận sẽ phát triển dựa trên 4 nhóm ngành kinh tế trụ cột là năng lượng sạch; du lịch; nông lâm thủy sản; sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục - đào tạo và kinh doanh bất động sản. Đây vừa là những thế mạnh của Ninh Thuận vừa là xu hướng của VN cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang lựa chọn hướng tới”, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết.
|
Bình luận (0)