Tạo tiền đề tốt nhất cho kỷ nguyên mới

01/12/2024 06:47 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Quốc hội sẽ đồng hành với Chính phủ để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, tạo tiền đề tốt nhất cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Chiều 30.11, Quốc hội (QH) đã bế mạc kỳ họp 8, QH khóa XV sau hơn 1 tháng làm việc.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn khẳng định, với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân, kỳ họp thứ 8, QH khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Điểm lại nội dung công việc của kỳ họp 8, Chủ tịch QH cho hay, QH đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu với 10 dự án luật khác. QH đã thảo luận và thông qua nhiều vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, phát huy tối đa các nguồn lực, cơ hội phát triển như: Nghị quyết thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng; các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, phòng chống ma túy. Cùng đó là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...

Tạo tiền đề tốt nhất cho kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp

ẢNH: GIA HÂN

Theo Chủ tịch QH, QH ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ và những đổi mới hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. QH cũng đã phân tích, thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. QH đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, có các giải pháp hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tạo đột phá phát triển đất nước

Theo Chủ tịch QH, để đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, QH đề nghị các cơ quan khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết vừa được QH thông qua. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau khi ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo đột phá phát triển đất nước.

Tại nghị quyết kỳ họp được thông qua tại phiên bế mạc, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài, minh bạch, dễ tiếp cận; thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển.

Tạo tiền đề tốt nhất cho kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bấm nút thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV

ẢNH: GIA HÂN

Theo Chủ tịch QH, năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại Hội nghị T.Ư Đảng vừa qua, T.Ư đã đặt ra yêu cầu cấp bách sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới. Chủ tịch QH khẳng định, QH, Ủy ban Thường vụ QH khóa XV và các cơ quan QH sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy "tinh, gọn, mạnh", nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh, QH sẽ đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị tốt nhất cho đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, tạo tiền đề tốt nhất cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Theo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã được thông qua, QH thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.

Tạo tiền đề tốt nhất cho kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Quốc hội bế mạc kỳ họp 8 sau hơn 1 tháng làm việc

ẢNH: GIA HÂN

Tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp 8, báo chí đặt câu hỏi việc cấm thuốc lá điện tử được cử tri rất chờ đợi, nhưng Hiến pháp quy định rằng quyền của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật, vậy nghị quyết quy định "cấm" có phù hợp hay không. Phó tổng thư ký QH Nguyễn Trường Giang cho biết, các đại biểu QH đều thống nhất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ em. Việc cấm thuộc thẩm quyền của QH, hơn thế đây là vấn đề phải xử lý cấp bách, do đó QH đã đưa vào nghị quyết của kỳ họp chứ không chờ sửa luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Vẫn theo nghị quyết, QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương ban hành, triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi), ngập, lụt, sạt lở đất sau bão số 3.

Đặc biệt, QH yêu cầu triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Chậm nhất tháng 6.2025, tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận, lùi tiến độ sân bay Long Thành

Chiều 30.11, QH đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 QH khóa XV, trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016. QH cũng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó có luật Năng lượng nguyên tử.

Theo tờ trình của Chính phủ, các địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là 2 địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng.

Trước đó, theo Nghị quyết 41 năm 2009 của QH khóa XII, QH quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2), mỗi nhà máy có 2 tổ máy, với tổng vốn đầu tư khoảng 200.000 tỉ đồng. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, H.Thuận Nam; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải. Công suất 2 nhà máy trên 4.000 MW.

Tại nghị quyết, QH cũng đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành, lùi thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đến cuối năm 2026 thay vì mốc quý 3/2025, chậm 1 năm so với nghị quyết ban đầu của QH. Đồng thời, bổ sung nội dung đường cất hạ cánh giai đoạn 3 lên giai đoạn 1, xây dựng song song 2 đường cất hạ cánh ở phía bắc.

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 1,7 triệu tỉ đồng

Với tỷ lệ 92,48% đại biểu tán thành, QH đã thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.713.548 tỉ đồng, theo hình thức đầu tư công. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Tiến độ thực hiện: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu khởi công năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.

Dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về huy động vốn. Ngoài ra, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp. Đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác VN để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.

Tăng quỹ đất làm nhà ở thương mại

Với hơn 86% đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất. Hiện nhà đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở, theo luật Nhà ở 2014, được thí điểm trong 5 năm. Song với nghị quyết này, từ ngày 1.4.2025, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. Việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để làm dự án thí điểm được thực hiện theo quy định pháp luật.

UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, cấp phép cho tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất. Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện về đất đai, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng với đất có nguồn gốc là đất quốc phòng, an ninh thì cần văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.