|
Nguyễn Văn An sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo. Mới hết lớp 9, An phải bỏ học lao vào kiếm sống phụ giúp gia đình. Ngay từ nhỏ, ước mơ làm kinh tế thoát nghèo đã cháy bỏng trong An. Bước ngoặt đến với An vào năm 25 tuổi, khi anh được nhận vào làm ở Công ty dệt len Cekavina của Hàn Quốc tại TP.HCM. Trong quá trình làm việc, An nhận ra nghề này có thể giúp anh thực hiện ước mơ nên đã cố gắng học hỏi nâng cao tay nghề và học luôn cả kỹ thuật sửa chữa máy dệt len. Sau 5 năm, thấy tay nghề đã vững vàng, anh xin nghỉ việc về quê.
Được gia đình hỗ trợ, tháng 9.2009, anh thành lập Cơ sở dệt len Trung Tính với 40 máy. Anh còn phối hợp với địa phương mở lớp dạy kỹ thuật dệt len cho bà con. “Mỗi khóa học kéo dài từ 45 - 60 ngày, do tôi đảm nhiệm. Đến nay đã mở được 3 khóa với hơn 80 học viên tốt nghiệp”, anh An cho biết.
Các học viên học nghề xong được anh nhận vào làm tại cơ sở của mình với mức lương từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ xã Trung Nghĩa) cho biết: “Bà con ở đây rất biết ơn anh An vì anh đã đem nghề dệt len về địa phương, giúp nhiều người có công ăn việc làm ổn định”.
Tháng 5.2012, anh đã nâng cơ sở lên thành HTX với 80 máy dệt len và 70 công nhân. HTX chuyên gia công các phần như: thân trước, thân sau, tay, cổ áo, túi… theo đơn đặt hàng của Công ty dệt len Cekavina. Mỗi tháng trung bình HTX hoàn thành 20.000 sản phẩm các loại.
Ngoài ra, anh còn đầu tư 40 máy thêu cho công nhân làm việc tại chỗ và 40 máy dành cho các công nhân đạt tay nghề giỏi đem về nhà, trong đó có 8 máy thêu tự động. “Đợi tỉnh lộ 907 hoàn tất, tôi sẽ sửa chữa HTX Trung Tính khang trang hơn, trang bị thêm máy móc để tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương”, anh An nói.
Bài, ảnh: Thanh Hương
Bình luận (0)