Tập đoàn FWD và những giao dịch triệu đô tại châu Á

09/08/2019 08:00 GMT+7

Tập đoàn bảo hiểm FWD, trực thuộc Pacific Century Group của tỉ phú Richard Li thông báo mua lại cổ phần và hợp tác bancassuarance với Ngân hàng TM Siam (Thái Lan) với giá trị ban đầu 92,7 tỉ Baht (3 tỉ USD) vào tháng 7.2019.

Đây là một trong những giao dịch tỉ đô của tập đoàn bảo hiểm này tại châu Á trong vòng 6 năm qua.

Mua lại và hợp tác với Ngân hàng Siam Thái Lan - 3 tỉ USD

Được ký kết vào ngày 1.7.2019, đây là giao dịch mới nhất trong chuỗi thương vụ mua bán và hợp tác của FWD ở thị trường châu Á. Theo đó, Ngân hàng Thương mại Siam sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình tại Công ty bảo hiểm nhân thọ SCB ("SCB Life") cho FWD, đồng thời ký thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm dài hạn qua ngân hàng với FWD.
Ngân hàng Siam sẽ nhận được tổng số tiền theo thỏa thuận là 92,7 tỉ Baht cùng với các khoản thanh toán bổ sung thường lệ trong giao dịch bancassurance trong thời gian hai bên hợp tác. Sau khi các thủ tục được hoàn tất, thương vụ chuyển nhượng này là giao dịch lớn nhất về tổng giá trị trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ từ trước đến nay ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Arthid Nanthawithaya, Tổng giám đốc và Chủ tịch ủy ban điều hành tại Ngân hàng Siam cho biết: "Việc thiết lập quan hệ đối tác với FWD sẽ giúp tạo ra giá trị dài hạn cho khách hàng, cổ đông, nhân viên và các bên liên quan, và cùng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho FWD và Ngân hàng Siam. FWD là công ty bảo hiểm hàng đầu trong khu vực, với chiến lược đặt trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm, có sức mạnh công nghệ vượt trội và đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, họ sẽ cùng chúng tôi tạo nên sự tăng trưởng dài hạn cho ngành bảo hiểm nhân thọ ở Thái Lan”.
Ông Vichit Suraphongchai, Chủ tịch Ngân hàng Siam, nhấn mạnh những lợi ích dành cho khách hàng: “Ngân hàng Siam có 16 triệu khách hàng trên tổng số 69 triệu dân Thái Lan. Chúng tôi tìm kiếm đối tác bảo hiểm lâu dài, uy tín để phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng lên tầm cao mới. Rất khó để tìm được một đối tác đáp ứng tất cả các yêu cầu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm thấy FWD”.
Các nhà phân tích cho rằng giao dịch tỉ USD của FWD sẽ mở đường cho tập đoàn này niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore thời gian tới.

Mua lại MetLife Hồng Kông - 400 triệu USD

Trước giao dịch tỉ USD với Ngân hàng Siam Thái Lan vài ngày, Tập đoàn FWD cũng đã công bố đạt được thỏa thuận mua lại MetLife Hồng Kông. Việc mua lại MetLife Hồng Kông sẽ giúp FWD tiếp tục tăng thị phần tại Hồng Kông và củng cố vị thế là một trong những tập đoàn bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại đây.
Nếu tạm tính, thỏa thuận với MetLife có giá trị khoảng 400 triệu USD. Bà Rebecca Tadikonda, Giám đốc Chiến lược Phát triển thị trường của Metlife tại châu Á nhận xét: “Tập đoàn FWD có vị thế vững mạnh để thúc đẩy sự tăng trưởng của Metlife Hồng Kông; đồng thời những cam kết phát triển kinh doanh của FWD phù hợp với khách hàng, nhân viên, đại lý và đối tác kinh doanh của chúng tôi”.
Việc mua lại này khẳng định tham vọng của Tập đoàn FWD trở thành một trong những tập đoàn bảo hiểm hàng đầu tại khu vực châu Á. Cùng với chiến lược phát triển đa kênh phân phối, đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm và các khoản đầu tư lớn về công nghệ, giao dịch này được đánh giá sẽ đưa Tập đoàn FWD lên tầm cao mới.

Chi 6 tỉ USD cho việc hợp tác và mua lại trong 6 năm

FWD được thành lập năm 2013, thông qua mua lại doanh nghiệp bảo hiểm ING tại Hồng Kông, Ma Cao và Thái Lan. Tập đoàn FWD đã chi hơn 6 tỉ USD để thâm nhập và mở rộng thị trường mới nhằm trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương.
Trong thời gian ngắn, FWD đã nhanh chóng có mặt tại các thị trường mới như Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Nhật, Malaysia. Từ đây, FWD trở thành tập đoàn bảo hiểm có mặt rộng khắp tại 9 nước châu Á với tổng tài sản hơn 30 tỉ USD với 5 triệu khách hàng và 4.600 nhân viên. Tập đoàn FWD có Tổng giám đốc là ông Huỳnh Thanh Phong, người Canada gốc Việt, người đặt nền móng đầu tiên cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hơn 20 năm về trước. Theo thông tin từ Reuters, FWD đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang thị trường Trung Quốc.
Với việc nhanh chóng vươn rộng khắp châu Á, FWD đã khẳng định vị thế tài chính của mình và khát vọng trở thành con rồng châu Á, dẫn đầu thị trường trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.