Dự án thép “khủng” của người Việt
Ngày 27.8.2016, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2016. Tại hội nghị này, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã gây “sốc” với dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Đây là một trong những dự án trọng điểm của HSG trong giai đoạn mới.
“Trước bối cảnh ngành thép ở Việt Nam đang nhập siêu, nhu cầu thép cán nóng, phôi thép ngày càng tăng cao thì việc xây dựng một nhà máy luyện cán thép công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm tối ưu hóa khả năng cung ứng về thép là một yêu cầu thiết yếu”, lãnh đạo của HSG chia sẻ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đồng thuận: “Nhu cầu thép Việt Nam còn rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn nhỏ lẻ phân tán cho nên việc triển khai dự án thép lớn tầm cỡ như HSG là cần thiết. Hơn nữa, trong ngành thép Việt Nam hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm vị trí lớn hơn, vậy cần có các doanh nghiệp thép của người Việt đóng vai trò chủ đạo”.
Với dự án thép này, HSG dự kiến triển khai theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031. Giai đoạn 1 được thực hiện trong năm 2017 - 2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019. HSG tin tưởng dự án sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ thép trong nước, hạn chế nhập siêu, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành tỉnh Ninh Thuận, tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động địa phương, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển...
Thép tốt và môi trường tốt
Trong “tâm bão” liên quan dự án thép của Formosa, như một phản xạ tự nhiên, dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận đã đón nhận sự quan tâm đặc biệt, trong đó có vấn đề nhạy cảm là môi trường. “Đây là dự án rất lớn, cho nên chúng tôi nhận thấy chủ đầu tư cần thu xếp vốn khả thi và hợp lý để triển khai dự án và cần lựa chọn những công nghệ tốt nhất, cũng như hết sức chú ý đầu tư những thiết bị thân thiện môi trường, xử lý môi trường”, ông Nguyễn Văn Sưa nói. Giải tỏa nỗi lo lắng của nhiều người, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT HSG - thẳng thắn phát biểu: “Chúng ta không thể nào xem nhẹ vấn đề môi trường. Nhưng không phải vì vấn đề môi trường mà chúng ta không phát triển. Với công nghệ và thiết bị như hiện nay thì vấn đề môi trường đều có thể giải quyết được. Chúng tôi khẳng định sẽ làm dự án này với lương tâm, trách nhiệm cao nhất để làm sao bảo vệ được môi trường mà vẫn tạo ra được công ăn việc làm, tạo được sự tăng trưởng cho xã hội, cho đất nước”.
Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - cho biết: “Năm 2015, 2014 và 2013 nhập siêu ngành thép lần lượt là 6,6 tỉ USD, 7,2 tỉ USD và 6,1 tỉ USD. Trong khi đó, nhập siêu của cả nước năm 2015 chỉ ở mức 3,5 tỉ USD. Việc nhập siêu ngành thép đã có tác động rất lớn đến cán cân thương mại quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và giảm sức cạnh tranh của ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đến thời điểm này, ngành thép Việt Nam chỉ sản xuất được phôi xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Như vậy, năm 2015, cả nước thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô (quy đổi). Trong bối cảnh đó, dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thép Việt Nam”.
Riêng về vấn đề môi trường, ông Hoài cũng chia sẻ rằng: “Trên thế giới đã có hàng trăm tổ hợp thép vẫn hoạt động hàng chục năm qua ở châu Âu, ở Nhật Bản nhưng không hề xảy ra vấn đề về môi trường. Với công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường trong việc sản xuất thép nếu đầu tư một cách nghiêm túc và trong quá trình vận hành tuân thủ tuyệt đối quy trình công nghệ xử lý chất thải thì sẽ không có vấn đề về môi trường xảy ra”.
Tọa đàm xoay quanh vấn đề Tăng trưởng và Môi trường, chương trình Đối thoại Chính sách, phát sóng trên VTV1.
Bình luận (0)