Tập đoàn Masan hướng đến doanh thu 100.000 tỉ đồng trong năm 2023

30/01/2023 15:07 GMT+7

Theo dự báo sơ bộ, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan ước tính sẽ từ 90.000 - 100.000 tỉ đồng trong năm mới 2023, tăng trưởng 18 - 31% so với kết quả năm vừa qua.

Hôm nay (30.1), Tập đoàn Masan (MSN) công bố bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của quý 4/2022 và năm tài chính 2022. Theo đó, Tập đoàn Masan dự báo sơ bộ doanh thu thuần hợp nhất ước tính trong năm mới sẽ từ 90.000 - 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng 18 - 31% so với mức 76.189 tỉ đồng trong năm 2022.

Năm vừa qua, Masan đạt doanh thu thuần 76.189 tỉ đồng, tăng 2,6% so với mức 74.224 tỉ đồng của năm 2021 sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương (do đã chuyển giao mảng kinh doanh này).

Tập đoàn Masan hướng đến doanh thu 100.000 tỉ đồng trong năm mới 2023 - Ảnh 1.

Tập đoàn Masan hướng đến doanh thu 100.000 tỉ đồng trong năm mới 2023

CTV

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát năm 2022 giảm 58,3%, đạt 3.567 tỉ đồng chủ yếu do khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi trong quý 4/2021 và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MML và MHT thấp hơn.

Masan nhận định môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu có thể tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, công ty tin rằng triển vọng vĩ mô có khả năng phục hồi sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023.

Trong đó, TCX dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 65.000 đến 72.300 tỉ đồng, tăng 16 - 29% so với năm 2022. WCM dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 tỉ và 40.500 tỉ đồng vào năm 2023, tăng 23 - 38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng bán lẻ với mục tiêu mở 800 - 1.200 cửa hàng trong năm 2023. Công ty sẽ tập trung vào mô hình minimart/mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ tại khu vực thành thị và nông thôn...

Đồng thời, hệ thống Phúc Long dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng, tăng trưởng từ 58 - 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 - 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới.

Tính đến cuối năm 2022, Phúc Long có 132 cửa hàng flagship, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác. Với vị trí số 2 về doanh thu và số 1 về tỷ suất lợi nhuận trong ngành, chuỗi cửa hàng này kỳ vọng sẽ trở thành công ty số 2 về số lượng cửa hàng vào quý 2/2023.

Một nhân tố khác giúp thúc đẩy doanh thu là Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long. Cuối cùng, Phúc Long sẽ xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.