Tập đoàn PNE chốt vị trí dự án điện gió 4,6 tỉ USD ngoài khơi Bình Định

Hải Phong
Hải Phong
31/10/2024 07:13 GMT+7

Tập đoàn PNE (CHLB Đức) khai trương văn phòng ở TP.Quy Nhơn, đồng thời chốt vị trí làm dự án điện gió 4,6 tỉ USD ở đảo Hòn Trâu (H.Phù Cát, Bình Định).

Tập đoàn PNE công bố khai trương văn phòng đại diện tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) vào chiều 30.10. Đây là bước tiến quan trọng cho dự án điện gió thí điểm trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức. 

Tập đoàn PNE chốt vị trí dự án điện gió 4,6 tỉ USD ngoài khơi Bình Định- Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng khai trương văn phòng đại diện Tập đoàn PNE tại TP.Quy Nhơn (Bình Định)

ẢNH: BÌNH ĐỊNH

Tập đoàn PNE (có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các dự án điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi) đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Định với quy mô công suất 2.000 MW, được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỉ USD (mỗi giai đoạn dự án đầu tư khoảng hơn 1,5 tỉ USD).

Dự án sau khi đưa vào vận hành, mỗi năm cung cấp khoảng 7,1 tỉ KWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực.

Từ 2019 đến nay, PNE đã tìm hiểu khảo sát để làm dự án điện gió ở Bình Định nhưng chưa công bố địa điểm. Đến hơn một tuần trước, ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch PNE, đã đến Bình Định cùng lãnh đạo tỉnh này xem vị trí.

Tập đoàn PNE chốt vị trí dự án điện gió 4,6 tỉ USD ngoài khơi Bình Định- Ảnh 2.

Biển Phù Cát (Bình Định)

ẢNH: DŨNG NHÂN

Đảo Hòn Trâu nằm ngoài khơi cửa biển Đề Gi, cách bờ gần 10 km. Vị trí này cách sân bay Phù Cát khoảng 30 km và cách TP.Quy Nhơn khoảng 50 km.

Ông Thorsten Fastenau, Phó chủ tịch điều hành của PNE, cho biết, đây là thành quả của quá trình gần 5 năm làm việc nghiêm túc và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương. "Chúng tôi tin rằng dự án Hòn Trâu sẽ là biểu tượng của hợp tác Việt - Đức trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh Bình Định và các bộ ngành Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh chuyên môn, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa dự án vào năm 2030", ông Fastenau nói.

Còn ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, dự án điện gió ngoài khơi là dự án có quy mô lớn và mang lại nhiều lợi ích cho cả Bình Định và Tập đoàn PNE. Do đó, ông Phạm Anh Tuấn mong muốn bà Helga Margarete Barth, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, tiếp tục đồng hành với tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ của dự án điện gió ngoài khơi.

Cũng trong chiều 30.10, tại UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cùng lãnh đạo tỉnh này đã tiếp và làm việc với bà Helga Margarete Barth, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam.

Tập đoàn PNE chốt vị trí dự án điện gió 4,6 tỉ USD ngoài khơi Bình Định- Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định làm việc với Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam

ẢNH: BÌNH ĐỊNH

Tại buổi làm việc, ông Hồ Quốc Dũng cho biết, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của Vùng duyên hải Trung bộ và Tây nguyên… Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung…

Ông Hồ Quốc Dũng mong muốn Đại sứ CHLB Đức quan tâm hỗ trợ, giúp tỉnh Bình Định thiết lập quan hệ hợp tác cấp địa phương với các địa phương của Đức. Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, phát triển thương mại và du lịch, nhất là đối với các lĩnh vực mà Đức có tiềm năng, thế mạnh (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, logistics…).

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng mong muốn bà Đại sứ quan tâm, thúc đẩy để dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE được triển khai thuận lợi và thành công.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.