Giáo viên, nhân tố quyết định thành công hoặc thất bại của công cuộc thay sách giáo khoa đã và đang rất mong chờ những đợt tập huấn bài bản, chuyên sâu. Nhưng người thầy có lẽ vẫn đang nơm nớp lo cảnh “cưỡi ngựa xem hoa” sẽ tái diễn trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng.
Thẩm định sách giáo khoa |
Hà Linh |
Đúng như lời khẳng định của đại diện ban chủ trì biên soạn chương trình, sách giáo khoa là những điểm mới về dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp liên môn… không phải là bây giờ mới triển khai thực hiện. Đó là sự kế thừa trên nền tảng những đổi mới về phương pháp dạy học mà Bộ đã triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.
Chỉ có điều là các buổi tập huấn cấp phòng, sở thông qua các báo cáo viên là giáo viên cốt cán của các trường vẫn chưa thật sự nói hết, nói rõ và thuyết phục được mọi người về cái mới của phương pháp dạy học, xu hướng dạy học… Mọi thứ vẫn đang dừng lại ở lý thuyết mà lý thuyết thường bị “tam sao thất bản” phần nào bởi kiến thức dễ dàng rơi rụng từ lớp bồi dưỡng cấp sở xuống cấp phòng đến từng tổ chuyên cấp trường.
Nhu cầu tìm hiểu của giáo viên không hề được thỏa mãn khi mọi thắc mắc của người thầy tại cơ sở không được báo cáo viên giải đáp bởi người thuyết trình cũng chỉ là “người đi nghe lại” và trình bày những gì đã nghe cho tập thể. Những thắc mắc bị bỏ ngỏ khiến người thầy bị rối và dần dà mất lòng tin với các đợt tập huấn.
Rồi khi bắt tay vào thực hiện mới thấy cái khó của việc lý thuyết chưa thông phải mày mò vận dụng. Chính vì vậy, hiệu quả của những đổi mới, sáng tạo trong giáo dục vẫn đang dừng lại ở một mức độ khiêm tốn. Đây quả là điều đáng tiếc!
Sự thành bại của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành GD-ĐT phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của các đợt tập huấn giáo viên. Vậy nên, niềm mong mỏi lớn nhất của nhà giáo lúc này chính là: Xin đừng “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bình luận (0)