Tập luyện thể thao thế nào để tránh nguy cơ đột tử?

Lê Cầm
Lê Cầm
31/07/2024 04:05 GMT+7

Nguy cơ đột tử ở người chơi thể thao không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mà còn liên quan đến loại hình hoạt động thể chất, cường độ tập luyện...

Đột quỵ, vỡ tim trong lúc chơi thể thao

Ngày 25.7 vừa qua, nhiều người chơi cầu lông tại sân cầu lông trên đường Lê Văn Chí, phát hiện anh P.T.N (36 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) bất tỉnh. Người dân hỗ trợ đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (cách hiện trường vụ việc khoảng 500 m) nhưng anh N. đã tử vong. Các bác sĩ xác định nạn nhân đã ngưng tim, tử vong do đột quỵ.

Trước đó, đầu tháng 7.2024, anh Đ.Đ.N (59 tuổi, ngụ TP.HCM) đang tập gym (nâng tạ) thì đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục xuống, ngất, vã mồ hồi. Người bệnh được đưa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc rất chậm, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Sau đó, tri giác người bệnh xấu dần, huyết áp vẫn không đo được.

Khai thác tiền sử cho thấy người bệnh có đau ngực trước nhập viện 5 ngày, cơn đau kéo dài hơn 10 phút. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, thời điểm đó có thể người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Khoảng thời gian này đủ để làm cơ tim bị thiếu máu, rồi hoại tử. Khi người bệnh có hoạt động gắng sức, trong trường hợp này là nâng tạ, thì có thể gây vỡ hay thủng tim

Hồi tháng 2.2024, Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương (TT.Sơn Dương, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nhận được cuộc gọi từ người dân khu vực xã Tân Trào (H.Sơn Dương) đề nghị hỗ trợ y tế cho nam thanh niên bị mất ý thức. Theo lời người dân kể lại, đang chơi đá bóng, nam thanh niên kêu mệt, ra sân nằm nghỉ. Trận bóng tiếp tục diễn ra. Khoảng 30 phút sau, nam thanh niên được phát hiện đã không cử động, mất ý thức.

Tập luyện thể thao thế nào để tránh nguy cơ đột tử?- Ảnh 1.

Y bác sĩ cấp cứu cho người bị đột quỵ

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HÙNG VƯƠNG - SƠN DƯƠNG

Người có bệnh tim mạch, tiền sử đột quỵ cần chú ý khi tập luyện

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tất Khánh Dương (Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, đa số các trường hợp đột tử trong khi tham gia thể thao thường xuất phát từ các nguyên nhân như: Người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc, ít vận động, căng thẳng hoặc tiền sử về đột quỵ, đặc biệt là ở nam giới và những người trẻ, thường là do bệnh tim cấu trúc hoặc di truyền. Nguyên nhân chính gây đột tử là loạn nhịp tim. Với người trên 35 tuổi, khả năng cao là do xơ vữa động mạch vành; còn người dưới 35 tuổi thường là bệnh di truyền như bệnh cơ tim, các rối loạn hệ dẫn truyền trong tim…

"Nguy cơ đột tử ở người chơi thể thao không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, mà còn liên quan đến loại hình hoạt động thể chất và cường độ tập luyện. Những người tham gia tập luyện với cường độ cao nhưng không đều đặn, thường có nguy cơ ngưng tim cao hơn so với những người tập luyện thường xuyên", bác sĩ Dương chia sẻ.

Tập luyện thể thao thế nào để tránh nguy cơ đột tử?- Ảnh 2.

Việc tập luyện nên vừa sức và duy trì đều đặn

PEXELS

Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Minh Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tim (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết, hoạt động thể dục là cần thiết, nhưng tùy theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe, áp dụng các phương pháp tập luyện phù hợp, không nên gắng sức khi đã có tuổi.

"Khi thấy có dấu hiệu đau ngực, kéo dài hơn 10 - 15 phút, đau gây ngưng thở… thì nên đi khám bệnh, để phát hiện, điều trị và theo dõi cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim thầm lặng", bác sĩ Thành khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.