|
Khiếu kiện tăng sau vụ Tiên Lãng
|
Từ đầu cầu TP.HCM, Phó chủ tịch UBND Lê Mạnh Hà cho biết các vụ việc khiếu nại tố cáo (KNTC) trên địa bàn TP chủ yếu xuất phát từ việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án đã phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Hà, thực trạng đáng lo ngại là ngoài các vụ khiếu kiện trực tiếp của công dân thuộc phạm vi địa bàn TP quản lý, TP cũng đang phải đối mặt với tình hình khiếu kiện phức tạp của cư dân ở hơn 10 tỉnh, thành lân cận kéo về. Đặc biệt, sau khi xảy ra vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), tình hình khiếu kiện của dân tỉnh khác về TP tăng lên, tập trung vào vấn đề thu hồi đất do lịch sử để lại, với hơn 240 lượt và gần 3.000 công dân, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011, kéo theo đó là những đối tượng gây rối.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Chiến Thắng nói thêm: “Rất tiếc Hải Phòng để xảy ra vụ Tiên Lãng vì sau vụ việc này, cứ có việc gì ngày càng bức xúc là dân lại nói sẽ có Tiên Lãng thứ hai, làm cho việc ổn định tình hình khó khăn. Cán bộ làm công tác đền bù giải tỏa cũng nhụt chí”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào từ đầu cầu Hưng Yên đã báo cáo khá cụ thể, chi tiết về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất thuộc dự án Ecopark ở huyện Văn Giang vốn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vừa qua. Ông Hào khẳng định dự án này được phê duyệt từ năm 2004, đúng trình tự pháp luật, được lãnh đạo địa phương và bộ, ngành liên quan thẩm định kỹ lưỡng và đây cũng là dự án duy nhất có hỗ trợ đất dịch vụ liền kề cho hộ bị thu hồi đất, có cơ chế hỗ trợ đền bù cao nhất tại thời điểm phê duyệt dự án. Cũng theo Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, sau cưỡng chế, tình hình nhân dân 3 xã ổn định.
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tỉnh thành đã tập trung đề xuất các giải pháp để giải quyết KNTC hiệu quả. Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ngoài việc phải tăng cường đối thoại để giải quyết dứt điểm các vụ KNTC từ cơ sở, cần thiết lập một mạng thông tin nội bộ để cập nhật đầy đủ thông tin từng vụ việc KNTC, từ nội dung đến quy trình, tiến độ giải quyết để khi tiếp nhận bất kỳ đơn thư KNTC nào của công dân, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương sẽ biết rõ nội dung sự việc đã giải quyết đến đâu, tránh lặp lại tình trạng vụ việc đã giải quyết ở địa phương đúng luật nhưng dân vẫn tiếp tục làm đơn khiếu nại vượt cấp, kéo dài vô thời hạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đồng tình với kiến nghị này, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết KNTC ở địa phương, như với những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, lãnh đạo tỉnh phải xuống tận hiện trường để nắm bắt thông tin; tăng cường tổ chức tiếp dân và đối thoại. “Những vụ việc đã giải quyết mà dân chưa đồng tình thì từ chủ tịch UBND tỉnh đến các phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch UBND các huyện liên quan phải tổ chức đối thoại công khai, mời luật sư trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi cho công dân. Các tổ chức chính trị liên quan cũng được mời vào cuộc để xem lại việc thụ lý vụ việc để bảo vệ quyền lợi cho hội viên, đoàn viên của mình”, ông Đọc trình bày.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tất cả vụ việc KNTC phải được giải quyết từ cơ sở, không để lan rộng, vượt cấp, sai đâu sửa đấy, chính quyền làm sai thì sửa, doanh nghiệp làm sai thì doanh nghiệp phải sửa và dân khiếu kiện sai cũng phải sửa. Vừa qua Quảng Ninh giải quyết được nhiều vụ việc kịp thời theo phương châm đó.
Nếu chính quyền đã xử lý sai thì phải nhận lỗi và sửa
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Tập trung giải quyết dứt điểm 528 vụ khiếu kiện còn tồn đọng trong cả nước, bởi “nếu chủ quan, coi thường, không tập trung giải quyết dứt điểm thì đây sẽ là những mầm mống dẫn tới bất ổn an ninh chính trị thời gian tới”. Ông gợi ý với các vụ việc tồn đọng này, sau hội nghị, lãnh đạo các tỉnh phải lên hồ sơ chi tiết từng vụ việc một, lập cả hội đồng thẩm định tư vấn, mời đại diện MTTQ VN, các đoàn thể, mời cả luật sư thẩm định các phương án đã giải quyết, nếu thấy chính quyền đã xử lý sai thì phải nhận lỗi và sửa, nếu giải quyết đúng rồi nhưng xem xét thấy người dân còn quá khó khăn, nghèo khó thì phải có phương án hỗ trợ bằng chính sách xã hội.
Với các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng đề nghị phải lập những tổ công tác, xuống cùng địa phương nghiên cứu kỹ, thẩm định lại các phương án đã giải quyết xem thấu tình đạt lý chưa, vụ việc nào xử lý chưa đúng thì phải trao đổi để giải quyết lại cho đúng, nếu đúng rồi thì thống nhất cách giải quyết. “Từ giờ đến cuối năm giải quyết được các vụ tồn đọng này và phải công khai hết toàn bộ quy trình giải quyết các vụ khiếu kiện tồn đọng này. Chúng ta phải làm hết tấm lòng, hết trách nhiệm với nhân dân để tuyệt đại đa số bà con đồng tình là cái tốt nhất, còn trường hợp giải quyết đúng rồi nhưng còn một số người không chấp nhận, bị đối tượng xấu lợi dụng kích động cũng phải thuyết phục, làm hết cách, không được nữa thì vì lợi ích chung của xã hội phải tiến hành cưỡng chế”, Thủ tướng đề nghị.
“Nhân dân phê bình chúng ta có một số việc chúng ta quy hoạch dẫn tới thu hồi đất, sử dụng đất còn lãng phí, có cái chưa phù hợp. Vì vậy, quá trình lập quy hoạch, thu hồi đất phải sát thực tế, phải dân chủ, bàn bạc công khai theo đúng quy trình để đảm bảo sự đồng thuận. Quá trình này phải hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện, KNTC phức tạp, kéo dài”, Thủ tướng quả quyết.
Ông đặc biệt lưu ý: trong các vụ việc, khi đã làm hết cách vận động, tuyên truyền, thuyết phục mà một số ít người dân vẫn cố tình không chấp hành mới buộc phải cưỡng chế. Cưỡng chế cũng phải đúng phương án, phù hợp quy định pháp luật với tinh thần không dùng vũ khí, không được để xảy ra chết người, không được dùng quân đội vào cưỡng chế.
Bảo Cầm
Bình luận (0)