Để đạt sự hài hòa, tối ưu cho quyền lợi người dân
Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch UBND H.Thủ Thừa (Long An), cho biết dự án Đường vành đai TP.Tân An qua địa bàn 2 xã Mỹ Phú, Mỹ An của huyện này có chiều dài gần 3 km với 174 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến đầu năm 2019, tất cả 174 hộ đã đồng thuận nhận bồi thường theo Quyết định 897/QĐ-UBND của UBND tỉnh Long An ban hành ngày 23.3.2018 về phê duyệt phương án, hệ số điều chỉnh giá đất, chính sách tái định cư…
Khu tái định cư An Vĩnh Ngãi thuộc dự án Đường vành đai TP.Tân An |
BẮC BÌNH |
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, hiện còn nhiều hộ dân ở TP.Tân An chưa đồng tình với quyết định thu hồi 20 m x 2 bên đường thuộc dự án. Lý do là giá trị đền bù thấp, tái định cư không thỏa mãn, thậm chí có hộ trước đó chuyển mục đích sử dụng lên đất thổ cư còn nợ thuế với số tiền cao hơn giá trị nhận được theo giá trị áp giá đền bù…
Cụ thể như trường hợp bà L.P.T.R. Bà R. cho biết, bà bị thu hồi gần 1.000 m2 đất. Trong đó, tùy theo vị trí, áp 3 mức giá khác nhau, cao nhất 3 triệu đồng/m2, thấp nhất 237.000 đồng/m2. Cả nhà, đất của bà chỉ được bồi thường 1,5 tỉ đồng, trong khi trước đó bà chuyển 300 m2 lên đất thổ cư với tiền thuế 760 triệu đồng.
Ông Võ Hồng Thảo, Phó chủ tịch UBND TP.Tân An, cho biết hiện còn 153/1.684 hộ dân trong vùng dự án chưa đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng (GPMB). Về phản ánh của bà R., ông Thảo cho biết diện tích 300 m2 bà R. chuyển mục đích sử dụng tại vị trí khác. Cụ thể là mặt tiền tỉnh lộ 827A nên có giá trị nộp thuế lớn và trong phạm vi dự án không có thu hồi phần diện tích đất này của bà. Sau khi được vận động, bà R. đã đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao đất cho dự án.
“Qua rà soát, có một số diện tích đất bị thu hồi còn nợ thuế chuyển sang thổ cư. Khoản nợ thuế này sẽ được điều chỉnh tăng lên sau mỗi 5 năm với căn cứ là giá đất mới do UBND tỉnh ban hành. Việc tăng này là theo quy định của ngành thuế. Nhiều trường hợp nợ bị điều chỉnh tăng và so sánh với giá trị bồi thường năm 2018 nên xảy ra những dư luận đáng tiếc. Để tạo điều kiện cho người dân, UBND TP.Tân An đã trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận để đạt sự hài hòa, tối ưu cho quyền lợi người dân. Ngoài ra, chính quyền TP.Tân An cũng đang xem xét về nguyện vọng tái định cư phù hợp với từng hộ cụ thể”, ông Thảo cho biết.
Các phân khu chức năng để làm gì?
Theo ông Thảo, các hộ dân còn lại chủ yếu không đồng ý giao đất 20 m x 2 bên đường vành đai vì giá rẻ so với đất mặt tiền (sau khi lộ hoàn thành), nhiều hộ hoài nghi giao rồi thì chính quyền sẽ phân lô bán nền, một số muốn tái định cư tại chỗ…
“Phần đất thuộc các phân khu chức năng do Nhà nước quản lý và tuyệt đối không dùng vào việc phân lô bán nền. Theo đó, các diện tích đất này UBND TP.Tân An phân ra thành 7 phân khu chức năng và quỹ đất phát triển giao thông. Tùy loại phân khu sẽ được giao theo luật định để đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, giáo dục, trung tâm thương mại dịch vụ cấp đô thị… và công viên cây xanh”, ông Thảo khẳng định.
Đường vành đai TP.Tân An đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công |
BẮC BÌNH |
Ngày 29.11.2021, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, đã đối thoại với các hộ dân chưa đồng ý phương án GPMB của UBND tỉnh. “Chủ trương đầu tư dự án là đúng đắn phù hợp với lòng dân, phù hợp với định hướng phát triển của TP.Tân An. Phạm vi GPMB (73 m ngang) là phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, phục vụ chỉnh trang và làm hiện đại thành phố mà không vì lợi ích của bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào”, ông Được khẳng định.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Long An yêu cầu việc bồi thường, tái định cư phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính khách quan, công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Các vướng mắc còn lại tiếp tục khẩn trương tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Bình luận (0)