Sau nhiều biện pháp tập trung chữa bệnh, tình hình người mắc bệnh viêm gan siêu vi A ở hai xã Đăk Năng và Ia Chim, TP.Kon Tum đã có chiều hướng giảm.
Phó giám đốc Sở Y tế Kon Tum, ông Đào Duy Khánh cho biết, Bộ Y tế đã khẳng định bệnh “lạ” lây nhiễm làm vàng da, vàng mắt, khó tiêu ở hai xã Ia Chim và Đăk Năng chính là ổ bệnh viêm gan siêu vi A. Trong số hơn 100 trường hợp qua khám lâm sàng bị nghi nhiễm bệnh này, đến nay đã xác định chính xác 58 ca bị viêm gan cấp A, chưa xảy ra trường hợp tử vong nào. “Yếu tố nghi ngờ do bơm thuốc bảo vệ thực vật diệt nấm trên cây cao su bị loại bỏ”, ông Khánh nói.
|
Cũng theo ông Khánh, đến nay có 11 thôn ở hai xã này có người mắc bệnh viêm gan nhưng đã có chiều hướng giảm, bệnh nhân nhập viện ít dần. Tính đến 25.7, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum còn 25 ca điều trị (thời điểm nhiều nhất là 52 ca). Về nguồn lây bệnh, thì cơ quan chức năng xác định là do vệ sinh người dân tại đây chưa đảm bảo. Theo điều tra tại vùng ổ bệnh, có gần 50% hộ có nhà xí hợp không hợp vệ sinh, trong khi đó bệnh viêm gan siêu vi A lại lây rất nhanh từ khâu này.
Tại xã Ia Chim, nơi có nhiều người bị viêm gan siêu vi A, một số người dân vẫn còn lo lắng. Phó chủ tịch UBND xã Ia Chim, ông Phan Thành Trung cho biết, ngày 25.7 xã tổ chức họp dân để tuyên truyền cách phòng tránh bệnh viêm gan A, đồng thời vận động tuyên truyền để bà con đăng ký tiêm vắc xin viêm gan siêu vi A.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum, ông Phan Văn Hải cho hay, bệnh viêm gan siêu vi A không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Thông thường người mắc bệnh chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với uống vitamin và thuốc bổ gan, bệnh sẽ bớt dần. Ông Hải khuyến cáo: Cách phòng ngừa tốt nhất với viêm gan A là tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường để cho ổ bệnh này không có điều kiện lây lan.
Phạm Anh
Bình luận (0)