Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 3: Sơn nữ răng đen

04/04/2012 03:01 GMT+7

Tục nhuộm răng không chỉ riêng có ở “những cô hàng xén răng đen” ở đồng bằng Bắc bộ, bởi từ hàng trăm năm nay người Vân Kiều, Pa Kô cũng đã sở hữu những hàm răng đen tuyền kiêu hãnh...

Tục nhuộm răng không chỉ riêng có ở “những cô hàng xén răng đen” ở đồng bằng Bắc bộ, bởi từ hàng trăm năm nay người Vân Kiều, Pa Kô cũng đã sở hữu những hàm răng đen tuyền kiêu hãnh...

>> Kỳ 2: Mã não quyền uy

Biểu tượng sắc đẹp một thời

Giữa bữa trưa, một lời gợi mở của anh cán bộ văn hóa trẻ xã A Vao (H.Đakrông, Quảng Trị) làm cho tôi tỉnh hẳn: “Anh có tin không, độ vài chục năm về trước, một người phụ nữ đẹp không có nghĩa là phải da trắng, tóc dài, thắt đáy lưng ong mà cần sở hữu một hàm răng đen nhánh...”. Thấy tôi tròn xoe mắt, anh chàng này xăng xái hẹn ngay đầu giờ chiều sẽ chở tôi đi gặp những “nhân chứng sống” cho lời nói của mình.


Đốt nóng con rựa để nhựa cây chảy ra... - Ảnh: Nguyễn Phúc 

Qua hai con dốc cao và một con suối nhỏ chạy quanh co giữa bản, chúng tôi đến trước nóc nhà sàn của bà Kăn Bình, người có màu răng đẹp nức tiếng vùng này từ thời còn là thiếu nữ. Trên bậc thang cao, bà Kăn Bình vồn vã đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu giống như cái cách mà mọi lần đồng bào đón khách quý. Bà nói tiếng Kinh không sõi, chữ được chữ mất nhưng đôi mắt luôn nhìn chăm chăm vào người đối diện. Theo “phiên dịch” của anh cán bộ trẻ, bà nói tuổi chính xác thì không còn nhớ nhưng ít nhất cũng đã phải qua hơn bảy chục mùa trăng, trong khi chồng từ lâu đã về với đất...

Nhắp nhắp ống điếu được làm bằng tre và phần đầu được gia công bằng nhôm, bà Kăn Bình hồi tưởng: “Mẹ nhuộm răng từ thời đánh Pháp cơ, lúc ấy chắc cũng lớn bằng con Si (cháu nội của bà, 10 tuổi). Thấy người lớn nhuộm, con nít học theo, chứ không riêng gì mẹ...”.

Bà nói thời đó cực lắm, sống như con nai, con hoẵng, rừng cho thứ gì thì ăn thứ đó nên tục nhuộm răng đến với dân bản cũng như một lẽ tự nhiên. “Từ bao giờ thì chẳng ai còn biết nữa nhưng hễ cứ sau một ngày làm việc quần quật trên nương rẫy, tối đến bọn mẹ quây quần lại ở một nhà nào đó rồi cùng nhuộm răng cho nhau, chuyền từ người này sang người khác. Làm một thời gian rồi thì thành... nghiện, không làm chịu không được...” - bà Kăn Bình tiếp lời. Cũng nhờ những lần nhuộm răng “tập thể” ấy mà bà Kăn Bình sở hữu được màu răng đẹp lạ lùng, nhiều trai bản đi theo tối ngày mà chỉ mong được nhìn thấy nụ cười huyền hoặc của sơn nữ răng đen...

 

Cà răng căng tai

Có một thời gian cụm từ này mang một ý nghĩa đầy tính miệt thị đối với những tộc người vùng cao nhưng khi tìm hiểu kỹ, đây cũng là một tập tục lâu đời của người Pa Kô, Vân Kiều. Ngoài việc nhuộm răng, nhiều phụ nữ còn dùng miếng sắt cà cho răng ngắn lại. Trong khi đó, do đeo khuyên tai bằng bạc (đồng) rất nặng nên dái tai của họ cũng sẽ trĩu xuống. Tương truyền, người phụ nữ đã có tuổi mà có răng ngắn và dái tai dài thì sẽ sống thọ, gặp nhiều điều may.

Đang băn khoăn về việc thời đó lấy đâu ra “thuốc nhuộm” răng để mọi người xả láng dùng thì bà Kăn Bình đã kéo xềnh xệch tôi sang nhà của bà Hồ Thị O (70 tuổi, sống sát cạnh đó). Vừa hay, bà O đang chuẩn bị “chỉnh sửa nhan sắc” cho bộ răng đen độc đáo của mình. Tôi đã rợn tóc gáy khi thấy bà O lấy một ít vỏ cây giã nhuyễn rồi bỏ lên miếng sắt đem hơ trên bếp lửa. Đoạn nhựa cây bắt đầu chảy ra, bà lấy tay quệt cái chất nhầy đó rồi miết liên hồi vào răng trên và dưới.

“Vỏ cây này mẹ lấy ở trên rừng đó, không biết nó tên gì nhưng mẹ nhận ra nó dù nó có mọc lẫn vào các bụi um tùm. Mỗi lần thế, mẹ róc về và để dùng dần... Đến buổi tối mà mẹ không miết răng thì mẹ chưa có ngủ được” - bà O giảng giải. Vậy nên chuyện bà O nghiện... nhuộm răng cả bản ai cũng biết.

Thứ thuốc nhuộm tự nhiên này không những tạo màu cho răng mà còn có tác dụng như... các loại kem đánh răng bây giờ, thậm chí chất lượng tốt hơn. Bằng chứng là dù ở tuổi thất thập, răng của các bà đều khít rịt, mỗi cái đen bóng như hạt dưa hấu, chẳng cái nào chịu rụng.

Ông Kôn Dinh, chồng của bà O đồng thời là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã A Vao, nằm tựa bên cửa sổ, nghe cuộc chuyện trò của chúng tôi, bỗng cười khà khà: “Ngày trước bố yêu mẹ rồi lấy mẹ cũng vì màu răng đó đấy các con ạ. Doan (người Kinh) có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người” thì dân bản cũng có suy nghĩ tương tự vậy thôi”. 

Chỉ còn là dấu ấn

Qua tháng năm, các bản làng nơi vùng núi rừng heo hút đã bắt đầu khá giả lên, nhiều phong tục mai một dần, tục nhuộm răng đen cũng không là ngoại lệ. Nó như chỉ còn tồn tại trong cộng đồng người già, nên nụ cười người phụ nữ Pa Kô nay đã phai lắm rồi, nếu như không muốn nói chỉ còn là dấu ấn.

Sở hữu hàm răng đẹp không kém bà Kăn Bình và bà O, bà Kăn Ngâm tâm sự: “Ngày trước cô gái nào cũng ao ước có răng đen, để mỗi ngày đi chơi, mỗi đêm đi sim (nam và nữ thanh niên ban đêm thường đến ngủ một ngôi nhà gọi là nhà sim. Cùng ca hát đối đáp với nhau suốt đêm - PV), trai bản sẽ vây lấy mà chuyện trò, hỏi han và thổi cho nghe bao điệu khèn be hò hẹn. Ngày đó, khi răng chưa đen mẹ chẳng dám đi chơi mà cứ giam mình trong nhà, nhuộm cho kỳ được mới thôi. Nhưng giờ thì khác rồi... mấy đứa nhỏ chẳng ai thích nhuộm răng hết”.

Chính vì thế mà theo ông Kôn Dinh, hiện nay trên toàn xã A Vao chỉ còn chừng 50 người có màu răng đen và chỉ hơn một nửa trong số đó vẫn còn “tin” vào cái đẹp thuở  xa xưa, miết răng hằng ngày.

Còn dưới góc độ là một người nhiều năm nghiên cứu văn hóa Pa Kô, Vân Kiều ở vùng tây Quảng Trị, ông Hồ Phương, cán bộ Phòng Văn hóa H.Đakrông cho biết: “Tục nhuộm răng của đồng bào đã có từ rất lâu, họ dùng vỏ cây pơria (hoặc cây tinuh) để nung trên miếng sắt lấy nhựa như là loại thuốc nhuộm bây giờ. Nó đã trở thành nét và không gian văn hóa. Bởi mỗi lần như thế họ quần tụ rất đông bên bếp lửa, cùng kể chuyện cho nhau nghe gần như suốt đêm và chuyền tay nhau chất nhựa để miết vào răng...”. Ông Phương cũng thừa nhận rằng tập tục ấy nay đã không còn vẹn nguyên, đó như là lẽ tất yếu, cũng giống như sự lụi tàn của tục nhuộm răng của cư dân đồng bằng Bắc bộ.

Biết là vậy nhưng thật buồn khi nghĩ rằng lúc các mẹ về với đất, ở những bản làng này liệu ai còn nhớ đến dấu ấn của những “sơn nữ răng đen”, liệu ai còn biết đến loài cây pơria, tinuh dùng để làm gì? Có lẽ tôi đã may mắn khi được bắt gặp những nụ cười ấy, lỡ say nụ cười ấy nhưng cũng chính thế mà tự vận vào mình bao nuối tiếc ngẩn ngơ...

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.