Có dịp lên với đồng bào vùng cao trên dãy Trường Sơn, đừng ngạc nhiên khi thấy những người phụ nữ lấm lem, lưng đeo gùi, tay cầm rựa lầm lũi lên rẫy trong khi cánh đàn ông lại rảnh rang, nói chuyện tầm phào và uống rượu.
Nói điều này là một truyền thống văn hóa e còn chưa thuyết phục, nhưng sự phân biệt đó đã ăn sâu vào cách sống, cách nghĩ, cách sinh hoạt của đồng bào. Lâu ngày, điều đó trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch, nên vài trăm năm qua phụ nữ vùng cao vẫn cam chịu bao nỗi nhọc nhằn bủa vây.
Cực từ khi đi lấy chồng
Nhiều phụ nữ vùng cao mà tôi gặp đều ngọt nhạt nói với tôi như vậy. Họ bảo khi sinh ra là con gái đã cực rồi, nhưng dù sao lúc nhỏ còn được ở trong nhà bố mẹ, ăn cơm của bố mẹ, dẫu làm việc nặng cũng còn có anh có em, có bà con họ hàng. Chứ khi về nhà chồng thì thường phải lủi thủi gánh tất tật một mình.
Nhiều người cho rằng cái khổ của phụ nữ rẻo cao này một phần vì tục thách cưới của nhà gái với nhà trai có từ bao đời nay. Bởi muốn có được vợ, có được người mình yêu, đôi khi chàng rể và gia đình phải è cổ sắm sửa thật nhiều lễ vật, từ trâu bò, lợn gà đến nữ trang đắt tiền. Người vợ khi đó sẽ được hiểu như một món hàng, và tất nhiên cái gì bỏ tiền ra mua thì có quyền sai bảo, nạt nộ. Ngày nay, tục thách cưới dẫu không còn nặng nề như xưa nhưng nếp sống, nếp nghĩ ấy chưa thay đổi trong tư duy của người chồng, thậm chí là người nhà của chồng. Vậy nên dù đã có 5 đứa con, 3 đứa cháu và chiêm nghiệm cuộc đời gần 60 năm thì Vỗ Thương (thôn Ro Ró, xã A Vao, H.Đakrông, Quảng Trị) vẫn ưỡn ngực ra khoe: “Vợ của bố làm việc giỏi lắm, làm cả ngày không biết mệt, bà con của bố nói ngày xưa bán cả 2 con trâu bạc để mua lễ vật thách cưới quả là xứng đáng”.
Ví dụ điển hình nhất cho việc cưới vợ cốt để... làm việc là ngay sau khi tổ chức hôn lễ, nàng dâu phải lập tức ra suối bắt cá, nếu chưa bắt được thì không được về, còn nếu bắt được thì sẽ đưa cá ra giữa nhà xem đó là con cá gì để bị phán xét tính cách là siêng năng hay lười nhác.
Theo những người già kể lại, ngày xưa phụ nữ rất khổ, nhưng khổ nhất là 3 mùa chính: mùa thuốc lá, mùa củi, mùa lúa. Đây là khoảng thời gian mà họ phải căng sức từ sáng sớm đến tối muộn để làm ra của cải vật chất trong nhà, còn đàn ông thường chỉ… phụ giúp thêm. “Tôi ớn nhất là vào mùa thuốc lá. Không giống như củi và lúa có thể thu hoạch trong thời gian dài, cây thuốc lá chỉ có thể tuốt về trong mấy ngày thôi, nên chị em trong bản phải lụi cụi đi trong sương sớm, tuốt về lại còn phải đem đi phơi phóng, làm việc không ngơi tay, ngủ không đủ giấc”, bà Kăn Vươm rùng mình nhớ.
|
|
Trớ trêu là ngày nay khi bà con được cán bộ phổ biến trồng, bán những cây trồng khác thì phụ nữ lại có thêm 2 “mùa khổ” nữa là mùa chuối và mùa đót. “Làm thì có tiền đấy nhưng mà về phải đưa cho chồng hết thôi, hắn toàn đi mua rượu”, một phụ nữ Vân Kiều thở dài.
Người Vân Kiều, Pa Kô còn có tập tục dựng kho thóc cách xa nhà nhưng những người phụ nữ nhọc công làm ra chúng thì lại không được tự tiện đến kho thóc. Muốn lấy thóc về giã gạo cũng phải xin chồng, hoặc bố mẹ chồng, trong thời kỳ kinh nguyệt thì tuyệt đối không được đến “vì sẽ làm ô uế hạt thóc, hạt ngọc của trời”.
Đàn ông bắt tay nhau bằng ly rượu
Ngoài việc lên nương lên rẫy, tất nhiên phụ nữ vùng cao cũng phải quán xuyến luôn việc nhà, từ giã gạo, chợ búa, cơm nước đến chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ. Phụ nữ làm càng nhiều việc, đặc biệt là việc nặng, thì được cho là vợ tốt, dâu hiếu thảo, được gia đình nhà chồng tôn trọng.
Quyền lực luôn trong tay đàn ông, đàn bà dẫu có làm giỏi nói hay thì vẫn phải nấp sau lưng đàn ông. Trong khi đó, đối với phái mạnh ở vùng cao này, không mấy người siêng năng, chăm chỉ. “Đám đàn ông bắt tay, bắt chân nhau bằng… ly rượu. Ai hay rượu thì lại càng nhác. Nhà nào có ông chồng say rượu thì vợ càng vất vả”, ông Caray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, đúc kết.
Trong nhiều chuyến lên vùng cao công tác, tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi nếu phát gạo, phát tiền thì đàn ông đến rất sớm, rất đông đủ trong khi nếu kêu làm việc gì thì thấy toàn phụ nữ, trẻ con. Đám đàn ông sau khi nhận gạo, nhận tiền, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy họ khề khà với nhau ở quán nước, quán rượu. Thậm chí, những công việc có liên quan tới giấy tờ như đi phô tô, công chứng cũng chỉ thấy bóng dáng phụ nữ trước cổng UBND xã. Nhiều người thấy cảnh này còn nói vui rằng vậy càng tốt bởi như thế phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội… tiếp xúc với xã hội.
Không thể phủ nhận thời gian gần đây chính quyền và nhiều cá nhân, tổ chức với mong muốn đi tìm “nữ quyền” cho người Pa Kô, Vân Kiều đã có nhiều việc làm tác động tích cực đến cách nghĩ, cách sống của người vùng cao. Nhưng để xóa bỏ vết hằn “đàn ông ở nhà, đàn bà lên rẫy” đã tồn tại hàng trăm năm e còn gian khó lắm. Vậy nên có người chua chát bảo rằng bình đẳng giới với phụ nữ miền núi là một câu chuyện dài lắm, có làm mãi cũng chỉ nhích từng cán rựa một mà thôi.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)