Lang thang qua những bản làng miền tây Quảng Trị, đâu đâu cũng thấy những người phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều đeo trên cổ, trên tay những chiếc vòng mã não nhiều màu sắc.
Chẳng biết tự bao giờ, phụ nữ vùng cao có tục đeo vòng mã não, không riêng gì đồng bào Pa Kô, Vân Kiều mà cả người Tà Ôi ở Thừa Thiên-Huế cũng còn giữ nét văn hóa này. Ngày nay, việc bỏ tiền ra mua một vòng mã não hẳn sẽ không khó, nhưng nếu là ngày xưa kiếm đâu ra chúng giữa chốn rừng thiêng nước độc?
Mã não hẳn phải là biểu trưng cho một điều gì đó không thể thay thế thì mới có thể tồn tại từ đời này sang đời khác. Luẩn quẩn trong những câu hỏi chẳng có câu trả lời, nhưng rồi tôi mau chóng quên đi hết thảy bởi bị vẻ đẹp của những chiếc vòng lạ cuốn hút.
Chiếc vòng linh hồn
Theo ông Caray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, người được mệnh danh là nhà “Pa Kô học”, có 2 cách để những vòng mã não hiện diện ở người phụ nữ. Bởi ngay từ khi sinh ra, mỗi bé gái đều có một chiếc vòng mã não cho riêng mình. Đó là một chiếc vòng chỉ có một hạt mã não, là vật thiêng để Giàng Cợt (thần bổn mạng) trú ngụ. “Vòng mã não này sẽ là linh hồn của mỗi người, sẽ ứng với cuộc đời người đó, không được cho, tặng bất kỳ ai. Nếu lỡ làm mất thì phải làm lễ cúng để làm lại vòng khác và khi chết đi cũng sẽ được chôn theo”, Caray Sức nói.
Khi tình yêu xuất hiện thì cũng là lúc vòng mã não một lần nữa thể hiện uy quyền. Từ xưa, vòng mã não luôn là thứ không thể thiếu trong việc cưới hỏi của người Pa Kô, Vân Kiều. Đó có thể là một trong những vật thách cưới mà bên nhà nữ yêu cầu phải có hay giản đơn là một kỷ vật biểu trưng cho tình yêu của chàng trai dành cho bạn tình của mình. Tùy vào điều kiện, “vòng mã não tình yêu” có thể gồm 3 hạt trên 1 xâu hoặc 4 hạt trên 1 xâu gồm 2 chuỗi. Tương truyền, hễ con gái nhận vòng mã não của người khác giới có nghĩa là trái tim đã thuộc về người đó. Vậy nên dù cô gái có xinh như đóa hoa rừng, có mái tóc dài như suối, da trắng như mây thì trai bản cũng không “thèm” (hoặc không dám) để ý nếu thấy cô ta đã đeo lên cổ một chuỗi hạt thề hẹn.
“Nhưng mã não không chỉ đem lại điều tốt đẹp, đôi khi chúng gây nên nhiều tai hại, nhiều tình yêu ngang trái. Có chàng trai yêu cô gái đã nhiều năm, đã định ngày sang dạm hỏi thì tá hỏa khi thấy “dấu hiệu” nàng đã thuộc về người khác. Nói mô xa, thằng Kưm, cháu trai của ta, cũng đã giận dỗi bỏ sang Lào lấy vợ vì người yêu phụ tình, ham chiếc vòng mã não đẹp...”, bà Giả Hươu (trú thôn A Đăng, xã Tà Rụt), người đã sống qua 80 mùa rẫy, chép miệng.
Mỗi nốt thăng hay trầm trong cuộc đời người phụ nữ nơi này ít nhiều có liên quan đến vòng mã não. Lựa chọn chiếc vòng nào cũng giống như việc chọn một người chồng, tốt xấu ra sao không dễ thay đổi.
|
Biểu tượng giàu sang
Thời hoàng kim, chỉ cần nhìn vào chuỗi mã não dân bản có thể biết chủ nhân của nó là người như thế nào: giàu sang hay bần hàn, kiêu ngạo hay nhút nhát... “Thời của mẹ, không phải ai cũng có mã não để đeo, không phải ai cũng đeo được vòng đẹp. Nhớ thuở trước, để có một chiếc vòng mã não tặng mẹ, gia đình bố đã phải đổi một con trâu bạc”, bà Giả Tơ, xã A Ngo, nói.
“Ngày xưa nhà của mẹ quá nghèo, không có trâu bò nên sau khi thu hoạch rẫy ngô, phải bán đi phân nửa mới mua được 1 chuỗi vòng đã cũ. Không đẹp lắm nhưng gia đình mẹ cũng đã rất tự hào”, Giả Siêng ngồi kế bên tiếp lời.
Vậy nên giá trị của người phụ nữ thuở đó hằn vết lên những chiếc mã não. Khi còn là con gái, nếu không có vòng mã não của thần bổn mạng đẹp thì trai bản sẽ không yêu. Khi đã có gia đình mà trên cổ không đeo thật nhiều vòng mã não cũng sẽ không được kính trọng. Cho đến tận bây giờ, nếu ai đó sở hữu những chuỗi vòng mã não lớn, khác biệt với hết thảy những chuỗi vòng còn lại cũng đủ đảm bảo cho nhiều người ngước nhìn. Biết giá trị đó, người đeo bao giờ cũng ưỡn ngực kiêu hãnh.
Bà Giả Tơ còn nói rằng người phụ nữ Pa Kô khi đã có tuổi thì không bao giờ bỏ những thứ như vòng bạc, chuỗi mã não ra khỏi người vì như vậy sẽ rất dễ bị ốm. Họ cho rằng những đồ vật ấy đều có hồn vía và gắn liền ở trong đó rồi. Cho người khác mượn có nghĩa là cho cả linh hồn nên sự giàu sang, quyền lực cũng theo đó mà tiêu tán.
Người trẻ hiện nay của những bản làng trên dãy Trường Sơn không còn tôn sùng vòng mã não như thế hệ trước. Dẫu họ đều có vòng mã não 1 hạt để thần bổn mạng trú ngụ nhưng chỉ đeo khi có việc cúng quảy trong nhà. Phần nữa, giá trị huyền ảo của những chiếc vòng mã não dần mất đi khi hiện nay giá của chúng không quá đắt, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể mua được. “Nhiều khi nghĩ cũng tiêng tiếc vì trước nay mình đã quen mắt với việc đã là phụ nữ phải có vòng mã não. Những chuỗi mã não đẹp, có giá trị lại mất dần đi khi phải chôn theo người chết nhưng tôi tin rằng mã não vẫn có một hấp lực nào đó để tự tạo nên vị trí khó thay đổi một sớm một chiều trong lòng người Pa Kô, Vân Kiều…”, ông Hồ Văn Ngơn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, trăn trở.
Lời nguyền mã não Theo những người già ở xã A Ngo (H.Đakrông, Quảng Trị), vì mỗi vòng mã não đều ứng với từng người, nên tự thân chúng cũng có những lời nguyền. Điều kiêng kỵ nhất là vòng mã não bị mất, bị sứt mẻ vì như thế tai ương sẽ giáng lên đầu chủ nhân. Trước đây, phụ nữ trong những gia đình giàu có, khi thấy vòng mã não bị rạn, sứt họ phải nhường chuỗi mã não cho người nghèo, chấp nhận nhường một ít tài lộc của mình để người khác gánh tai ương cho. Sau đó, họ sẽ làm lễ cúng tạ tội, xin đeo một chuỗi mã não mới để thay đổi vận mạng cho chính mình. |
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)