Với hủ tục thách cưới, chuyện cưới xin ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế) khiến cho không ít người dân nơi đây phải ôm nợ dẫn đến nhiều hệ lụy.
A Kiêng Thị Xuân (bìa phải) và chiếc dây đá còn quý hơn dây vàng của người Tà Ôi - Ảnh: Tuyết Khoa |
Chuyện vui thành chuyện lo
Vùng núi A Lưới, nơi tập trung đông đảo người đồng bào Tà Ôi, Pa Kô, C’Tu... tục thách cưới vẫn còn khá phổ biến.
Vừa đến xã A Ngo, chúng tôi tình cờ gặp và nghe ông Hồ Hữu Xuất kể chuyện cưới vợ cho con trai Hồ Qúy Sửu (23 tuổi) cách đây vài tháng. Ông Xuất nói, khi nghe con nói muốn lấy vợ, gia đình ông dù rất vui nhưng cũng rất lo lắng. Gia đình ông phải chuẩn bị ít nhất 10 con heo và bao nhiêu lễ vật như vàng, cồng, chiêng, thổ cẩm... Theo tập tục của đồng bào Tà Ôi nơi đây, trước lễ cưới truyền thống, nhà trai phải mang lễ vật do nhà gái thách cưới đến cho nhà gái. Ông Xuất phải mang ít nhất 10 con heo sang nhà gái để nhà gái làm tiệc và phân phát cho họ hàng. Số heo này ngoài gia đình mua thì có thể được anh em họ hàng đóng góp mỗi người một con. Đến khi anh em họ hàng có con cưới vợ thì ông Xuất lại mang heo sang góp lại.
Theo ông Xuất, trường hợp ông được xem là nhà gái không đòi hỏi. Rất nhiều gia đình ôm nợ vì thách cưới phải có bò, trâu, dê…thậm chí nhà gái còn xin cả xe máy. “Mới mấy tháng trước, tôi đi đám cưới ở thôn bên, nghe nói nhà gái ở xã A Roàng, cách xa nhà trai chừng 15 cây số. Nên nhà gái xin chiếc xe máy dùng để đi thăm con gái khi nhớ. Nhà ai có đông con trai đến tuổi lấy vợ là mất ăn mất ngủ. Nghe nó có người thương và muốn cưới vợ cũng mừng nhưng lo lắm. Gả con gái thì đỡ chứ con trai lấy vợ thì khổ cả gia đình, anh em họ hàng”, ông Xuất nói.
Chị A Kiềng Thị Xuân (18 tuổi, trú tại thôn A Ngo), vợ mới cưới của anh Sửu cho biết: “Việc chuẩn bị cưới xin là của ba mẹ. Mình chẳng đòi gì cả. Lễ vật thì ba mẹ làm lễ cưới và cho họ hàng. Quà cưới của mình chỉ có chiếc vòng cổ truyền thống bằng đá được người Ta Ôi quý hơn vàng. Sau nghi lễ truyền thống, mình và chồng rất muốn tổ chức tiệc như người đồng bằng nhưng vì đã hết tiền nên có thể vài tháng nữa mình mới tổ chức được”.
Tập tục khó bỏ
Ông Hồ Văn Ninh (67 tuổi, trú tại xã A Ngo) cho biết: “Chuyện cưới xin của đồng bào như Tà Ôi, Pa Cô, C’Tu, Vân Kiều nơi đây vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, điều này rất đáng quý. Tuy nhiên, chuyện cưới xin của đồng bào vẫn còn tục thách cưới. Ngày xưa cưới vợ là ôm nợ thôi. Lễ vật phải đủ trâu, bò, dê, heo, cồng chiêng, vàng, bạc, long não... Nhà nào sinh nhiều con trai phải vay mượn để cưới. Đến khi cưới về, vợ chồng gồng gánh nhau để trả nợ. Hồi xưa, tôi cũng rứa. Muốn cưới vợ thì phải nuôi sẵn trâu, bò cho thật nhiều mới mong lấy được vợ. Nhưng hiện nay đã có giảm. Tuy nhiên, tục lệ này vẫn còn phổ biến. Lễ vật cho nhà gái ít nhất vẫn là 10 con heo…”.
Bà Hồ Thị Thỉ, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồng Vân cho biết: “Nhờ tuyên truyền nên đồng bào Pa Kô đã giảm bớt chuyện thách cưới. Trước đây, muốn có vợ phải có trâu, bò, vàng…mà chưa đủ. Tính hết có khi vài chục triệu là thường. Trong khi, hoàn cảnh gia đình thì đói kém, cực khổ. Nhà gái chỉ thách 10 con heo là thuộc diện ít đòi hỏi nhất. Đối với đời sống khó khăn của đồng bào nơi đây thì 10 con heo thịt cũng là gia tài không nhỏ. Đó là chưa kể những lễ vật kèm theo cũng tốn không ít tiền…”.
Thách cưới là hủ tục xưa khó bỏ khiến không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Theo ông Hồ Viết Rưng, Phó chủ tịch UBND xã Nhâm: “Thách cưới hiện nay vẫn còn bởi nhiều lý do. Bởi nhiều người dân vẫn xem chuyện thách cưới như một tục lệ truyền thống đã có bao đời nên phải lưu giữ. Mặc khác, nhiều gia đình cũng muốn thể hiện, muốn đẹp mặt trước thiên hạ nên mới thách cưới rồi tổ chức linh đình. Tuy nhiên, hiện nay nhờ vận động nên chuyện thách cưới nhiều”.
Bình luận (0)