Tỉnh Quảng Nam vào cuộc với quyết tâm cao để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vốn dĩ đang diễn ra từ nhiều năm nay ở các bản làng miền núi...
Phụ nữ vùng cao Quảng Nam chịu nhiều thiệt thòi do lấy chồng sớm - Ảnh: H.X.H |
Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 vừa được Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký ban hành kế hoạch thực hiện hồi đầu tuần này (ngày 5.10), mở ra lộ trình mới để đối diện với những góc khuất ở miền núi. Đây cũng là nỗi đau dai dẳng, âm ỉ suốt bao nhiêu thế hệ. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm làm cơ quan thường trực triển khai đề án, đang gấp rút lập đề cương để mời các địa phương tập huấn ngay trong tháng 10 và 11.2015. Tuy nhiên, mối quan tâm hiện nay của những người trong cuộc là làm sao tiếp cận thông tin chính xác từ các bản làng?
“Cuộc chiến thông tin”
“Bây giờ đã qua rồi cái thời tảo hôn ở miền núi là do cha mẹ sắp đặt, con cái chỉ làm theo”, bà Lê Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam bắt đầu câu chuyện về tảo hôn. Cách thức để xảy ra tảo hôn cũng có sự thay đổi theo thời gian. “Các cháu đi học, tiếp cận nhiều luồng thông tin khác nhau, mới hết bậc THCS đã yêu nhau rồi mang bầu, tạo áp lực ngược cho cha mẹ phải chấp nhận cưới hỏi dù họ biết sai luật Hôn nhân - gia đình. Đó là kiểu con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy!”.
Bà Thủy cũng nhìn nhận, lâu nay vấn nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam chưa được quan tâm nhiều từ phía các địa phương. Thông tin mới nhất từ H.Tây Giang về “nghi vấn” tảo hôn cũng khá tình cờ, khi ban đầu có báo cáo 3 vụ tảo hôn, qua kiểm tra nhảy vọt lên đến 196 vụ, tuy nhiên chưa ai chắc chắn con số 196 vụ đó có độ tin cậy ở mức độ nào do các khâu phối kiểm tra không đảm bảo. Chưa kể, ở một vài địa bàn còn có tình trạng né tránh cung cấp thông tin chi tiết cho cơ quan chức năng vì họ sợ liên quan đến người thân, họ hàng và cả yếu tố... ảnh hưởng thi đua.
Cũng theo hình dung của cơ quan thường trực đề án, đang có một “cuộc chiến thông tin” vì để đưa ra ánh sáng các vụ việc nhạy cảm (như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống) quả thật không dễ. Trước tiên, phải lấp khoảng trống với việc sớm cung cấp tài liệu, sản phẩm tuyên truyền (bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc) về hôn nhân, gia đình và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. “Một số lãnh đạo ở miền núi cho biết tình trạng tảo hôn bây giờ nhiều lắm. Nhưng chúng tôi đang suy nghĩ làm sao để người dân nói ra sự thật, nói đúng về độ tuổi khi kết hôn và các mối quan hệ họ hàng. Đề cương khảo sát sắp tới sẽ tính đến các cách để họ… chịu nói. Chúng tôi hạ quyết tâm tổng rà soát cho bằng được, tìm hiểu rõ mọi vấn đề liên quan để tham mưu cho tỉnh giải pháp phù hợp”, bà Thủy tâm sự.
Giảm thiểu nạn tảo hôn ở 73 xã
Tỉnh Quảng Nam triển khai Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tại địa bàn 73 xã thuộc 10 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài nội dung khảo sát, đánh giá thực trạng ngay trong các tháng cuối năm 2015, giai đoạn 1 của đề án (kéo dài đến năm 2020) địa phương xúc tiến các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn; triển khai mô hình điểm đối với địa bàn có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Kinh phí thực hiện giai đoạn 1 hơn 10,2 tỉ đồng. Trong khi đó, để thực hiện Chiến lược phát triển gia đình VN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Quảng Nam cũng vừa đặt chỉ tiêu mỗi năm giảm trung bình 15% số hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định.
|
Bình luận (0)