Tất bật làng nhang Phùng

02/02/2011 22:05 GMT+7

(TNO) Không khí tại làng nhang Phùng (H.Đan Phượng, Hà Nội) những ngày cận Tết tất bật, rộn rịp.

Chị Thu Thảo, chủ hiệu nhang Thu Thảo ở sát chợ Phùng cho hay, năm ngoái, cận Tết nhà chị phải thuê 3 nhân công để se và phơi nhang, nhưng năm nay, đã phải nhờ thêm 2 nhân công đến phụ việc.

Chị Thảo tiết lộ, vẫn như mọi khi, người làm nhang ở làng Phùng chủ yếu làm ra bốn sản phẩm chính là nhang se, nhang vuốt, nhang đậu tàn và nhang vòng. Trong số bốn loại nhang nói trên, theo chị Thảo khó làm nhất là nhang đậu tàn.

Trong tâm thức của người Việt, cây nhang ngày Tết không chỉ là một cách thể hiện lòng tôn kính với ông bà, tổ tiên, mà còn là dấu hiệu báo trước sự suôn sẻ, thất bát trong làm ăn, công việc. Người Bắc vẫn quan niệm, nhang đậu tàn càng nhiều, vòng cuốn càng đẹp và lâu đứt, gẫy thì cả năm mới sẽ được ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, làm gì cũng thuận lợi, suôn sẻ và bình an.

Nhang đậu tàn là loại nhang đáp ứng được mọi tiêu chí, vừa thơm, vừa đậu tàn lại có tàn cuốn đẹp, lâu gẫy nên được nhiều người chuộng.

Song cách làm nhang loại này lại không dễ vì mỗi nhà lại có một bí-kíp khác nhau từ khâu pha chế hương liệu đến khâu se nhang, tạo hình nén, phơi… chỉ truyền lại cho con cháu trong nhà.

Để làm nên một nén nhang, người làm nhang đất Phùng vẫn chỉ sử dụng các nguyên liệu truyền thống như quế, trầm, thuốc bắc...

Tuy nhiên, yếu tố tạo nên hương thơm đặc trưng của nhang Phùng lại là "tuyệt chiêu" của từng hộ sản xuất.

Chị Thảo chia sẻ, mỗi ngày, chị và 5 thợ làm được khoảng gần 100.000 cây nhang. Hai ngày được một mẻ, nhưng làm mẻ nào hết mẻ đấy vì lượng khách đến đặt hàng quá nhiều.


Cuối năm, các cơ sở làm nhang tại đây đều phải tận dụng mọi khoảng trống để phơi nhang, từ đường làng, bờ đê, mái nhà. Nguyên nhân là đơn đặt hàng nhiều nên phải tăng cường sản xuất

Trên bờ đê, trong căn nhà sực nức mùi trầm, chiều 27 Tết, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ hiệu nhang Tiến Sơn cho biết, tính đến đời ông Tiến, dòng họ đã theo nghiệp làm nhang được 4 đời. Gần Tết, công việc bộn bề, nên năm nào cũng như năm nào, những người làm nhang như ông đều nghỉ Tết vào chiều 29, 30 Tết, khi đã giao hết hàng cho khách.

Cơ sở sản xuất của ông Tiến chuyên làm nhang se, vì dễ làm, không mất nhiều thời gian như làm các loại nhang khác. Bột làm nhang se là loại hỗn hợp xay nhuyễn từ các hương liệu gồm trầm, quế... Bột được trộn đều với nước keo, rồi cuốn vào nước keo, sau thì nhúng chân nhang vào bột, se lại cho bột cuốn vào chân, rũ sạch một lượt với bột khô rồi mang phơi. Gặp trời gió và hửng nắng, chỉ khoảng hơn 1 ngày nhang sẽ khô và đem về đóng gói được.

Ông Tiến chia sẻ giá nhang se tương đối rẻ, chỉ khoảng vài nghìn đồng một bó vài chục nén, nên vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Dù thế, hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại vùng đất Phùng đang khiến nhiều người có ý định bỏ nghề làm nhang truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Toàn ở dốc chợ Phùng năm nay đã gần 70 tuổi, một người đã gắn bó với nghề làm nhang gần 30 năm trăn trở không biết thế hệ trẻ sau này có giữ được nghề truyền thống của cha ông.

“Giờ bọn trẻ sính làm giàu nhanh, muốn kiếm được tiền nhanh nên thường tỏ ra hờ hững, thậm chí quay lưng lại với những nghề truyền thống của cha ông. Ngẫm mà buồn!”, ông nói.

Dù thế, trước thềm năm mới, ông Toàn khẳng định với chúng tôi, ít nhất trong vòng chục năm nữa, khách hành hương có dịp về chơi đất Phùng, sẽ vẫn được thưởng thức hương vị Tết truyền thống với mùi thơm ngào ngạt tâm linh của nén nhang, và hương vị đậm đà của đặc sản nem Phùng.

Trần Đan - Lê Quân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.