Tát đìa ăn tết

14/10/2022 15:00 GMT+7

Năm nào cũng vậy, dù bận bịu cách mấy thì cả nhà tôi cũng thu xếp về quê vào những ngày giáp tết để kịp tát đìa bắt cá cùng đại gia đình ông bà nội. Đó cũng là dịp mọi người tề tựu đông đủ nhất trong năm.

Mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ buổi chiều hôm trước. Tía tôi cùng mấy chú kiểm tra lại máy bơm, mua dầu chạy máy rồi qua nhà bà con, hàng xóm nhờ mọi người ngày mai sắp xếp công việc để qua giúp một tay. Má với mấy thím thì chuẩn bị lu khạp để rộng cá ăn suốt mấy ngày tết, soạn dao thớt để ngày mai làm cá, phơi khô. Còn anh chị em tôi thì rộn ràng, tíu tít chuyện trò sau nhiều tháng mới được gặp lại. Ông nội kể tát đìa bắt cá là một tập tục không chỉ vui mà còn khá thú vị của người dân miền Tây mỗi dịp tết đến.

Tất cả chỉ còn là kỷ niệm khi làng quê bây giờ nhà cửa cũng san sát y như thành thị, vườn tược teo tóp, cá tôm cũng không nhiều như hồi đó

công hân

Hồi đó gia đình nào cũng có cái đìa sát bên nhà, vừa trữ nước tưới, giặt giũ, vừa làm nơi đón cá thiên nhiên từ ngoài sông vào trú ngụ. Khi gần tới tết, nhà nào cũng đợi con cái tập trung về đông đủ là xúm vô tát đìa bắt cá để trước cúng sau ăn. Nói chung là tát đìa dịp tết cũng được lợi nhiều thứ lắm. Vừa có không khí lao động vui vẻ; vừa có cá ăn trong ba ngày tết khỏi tốn tiền mua; vừa đem đi biếu đem cho bà con, chòm xóm…

Người dân quê tôi có thói quen làm dần công cho nhau. Những ngày giáp tết dù việc nhà có bận rộn cỡ nào thì cũng ráng thu xếp để đi phụ mỗi nhà một chút để tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó. Để rồi sau đó nhà mình có việc, chỉ cần hú một tiếng là bà con lại xúm vô mỗi người một tay.

Vào ngày tát đìa bắt cá, lúc gà vừa gáy má tôi cùng mấy thím đã lục đục trong bếp nấu xôi nếp để cả nhà ăn sáng cho chắc bụng. Mặt trời vừa ló dạng, mọi người đã có mặt đông đủ, mỗi người một tay chia nhau công việc chuẩn bị. Thím Tư tranh thủ lội xuống đìa để nhổ trước mớ bông súng để một lát bóp gỏi, nấu canh chua với cá mè vinh, cá lóc. Chứ để một hồi nước đìa rút cạn, cọng bông súng ngã rạp trên bùn và héo úa thì ăn cũng mất ngon. Tía tôi với chú Tư cùng đào đất đắp bờ ngăn không cho nước ngoài sông tiếp tục chảy vô đìa. Chú Năm lội xuống đìa dỡ mấy đống chà chôm, rác rến lên trên bờ. Chú Sáu thì đổ dầu vô máy rồi cho máy nổ. Tiếng máy bơm nổ giòn giã, nước từ dưới đìa theo ống bơm lao xối xả ra phía bờ mương đối diện.

Khi nước cạn dần cũng là lúc mặt đìa lục ục những bọt khí của những con cá đang ngoi lên do mắc cạn. Lúc này các loại cá lóc, trê, rô, cá sặc, thác lác … quẫy đạp rồi lộ nguyên hình dưới lớp sình non. Tía tôi và các chú bắt đầu dàn thành hàng ngang để bắt cá, mò sâu xuống tận đáy bùn. Đi phía sau là mấy anh em chúng tôi đi bắt hôi. Bắt hôi nghĩa là đi lùng sục các loại cá nhỏ do bị lọt, sót nhưng thỉnh thoảng cũng thu được cá lớn. Ông bà nội thì đứng trên bờ đìa chỉ cho con cháu chỗ còn sót lại tôm, cá. Mỗi lần tát đìa không chỉ có cá, tôm mà còn có những thứ đặc sản khác của miệt ruộng đồng như rắn, rùa, lươn, ếch…

Anh em chúng tôi thích đi bắt hôi không phải vì mấy con cá, con tôm mà là được chơi đùa, nghịch ngợm trong lớp bùn non ngập qua đầu gối bởi bình thường đâu mấy khi được chơi dơ như vậy. Bắt cá bằng tay nhưng tới lúc trèo được lên bờ thì đứa nào đứa nấy bùn sình cũng đã đầy tóc tai, đầu cổ… Đó còn là cái thú cá, tôm tươi rói xiên qua những khúc tre nhỏ, cắm ngược xuống đất, chất rơm vô mà đốt. Khi rơm cháy hết cũng là lúc tôm, cá cũng vừa chín tới, chỉ cần gạt sơ lớp vảy cá dính bụi than bên ngoài, chấm muối ớt là ăn ngay tại chỗ.

Cá đem lên bờ được má tôi và các thím chia ra. Một mớ để ăn trong nhà, mớ chia cho những người tới phụ, mớ biếu bà con xóm giềng ăn lấy thảo, mớ làm món để mấy người tới phụ có cái để lai rai, mớ xẻ ra phơi khô để dành ăn tết, mớ cá nhỏ thì để làm mắm. Khi mặt trời đứng bóng thì việc tát đìa bắt cá cũng kết thúc. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, cả nhà trải chiếu trước sân với bữa đại tiệc đúng nghĩa “cây nhà lá vườn” do má tôi và các thím nấu nướng. Từ cá lóc nướng trui, tôm hấp trái dừa, đến lươn um, ếch xào lăn, lẩu rắn…

Tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm khi làng quê bây giờ nhà cửa cũng san sát y như thành thị, vườn tược teo tóp, cá tôm cũng không nhiều như hồi đó. Chúng tôi, những đứa trẻ của ngày nào giờ tóc đã điểm bạc. Để rồi mỗi độ tháng chạp về lại thấy nhớ cái mùi bùn quê cùng không khí chộn rộn của ngày tát đìa bắt cá cuối năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.