Ban đầu, khi nghe tôi nói về quyết tâm sẽ sửa tính lãng phí điện và nhất định là tắt đèn khi ra ngoài dù thời gian đi có ngắn đến đâu, mấy người bạn tặng tôi một nụ cười. Bởi các bạn tôi nghĩ rằng, đây là hành động đơn giản và nhiều người làm được rồi, họ cũng không tin tôi bởi biết rõ cái tính “bừa bãi” lâu nay của tôi.
Bản thân tôi cũng từng than thở với bạn bè về số tiền phải trả mỗi tháng trên hóa đơn tiền điện. Có tháng tôi phải trả lên đến ba triệu đồng, đó là một sự lãng phí và tôi cũng thấy vậy.
Với một người đã 40 tuổi thì có dễ thay đổi không? Nhiều lần tôi tự hỏi khi cảm thấy “vô dụng” bởi mỗi thói quen xấu này mà không bỏ được. Những lúc đó, tôi lại tự cười chính bản thân vì đã nhiều lần vượt qua được những khó khăn lớn trong cuộc sống để vẫn tiếp tục theo đuổi công việc viết lách của mình rồi kia mà.
Trong quá trình cầm bút hơn 30 năm, tôi luôn đối mặt với nhiều thứ làm lay động tâm trí. Chúng làm mình mất tập trung vào công việc đang làm, dù rất cần kíp. Đó có thể là một cú điện thoại của người thân, bạn bè mà nội dung chỉ là “tôi thấy cái video này trên mạng hay lắm, xem đi”. Nếu là trước kia, tôi sẽ mò vào xem ngay rồi chat với người quen để bàn luận về nó. Kết quả, tôi mất đứt nửa ngày.
Kể từ lúc nghĩ thông suốt như vậy, tôi đã có suy nghĩ là sẽ thực hiện đúng với cách tôi vẫn viết truyện, với sự tập trung hoàn toàn không xao nhãng để đạt được chất lượng tốt nhất trong công việc. Tôi tự đặt ra một thói quen và phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh là đã ra khỏi phòng thì phải tắt hết các thiết bị điện như đèn, quạt, điều hòa... Tôi tự đặt ra hình phạt nếu vi phạm là phải tăng cường tập thể dục hoặc đi giúp đỡ người khác.
Khi bắt đầu thực hiện thói quen tiết kiệm điện này, tôi đã vi phạm mấy lần. Tất cả vẫn là thói quen xấu do vô thức. Mới ngày đầu mà tôi đã bỏ quên không tắt điện đến 3 lần. Có lần khi đã ra khỏi phòng rồi và đi một quãng xa, tôi chợt nhớ là mình chưa tắt quạt và phải quay trở lại. Mấy ngày say, tôi dần quen với việc tắt điện khi ra khỏi phòng, nhất là đèn và điều hòa, hai thứ quan trọng nhất. Một tuần rồi một tháng sau, tôi đã tạo được thói quen tắt điện và duy trì đến bây giờ.
Trong quá trình đó, đôi lúc tôi quên và định tặc lưỡi “thôi lỡ rồi, kệ đi”, nhưng lại quyết duy trì thành quả của mình. Nhiều khi nhìn lại, tôi cũng thấy ngạc nhiên trước sự thay đổi của bản thân, khi số tiền điện tôi phải trả đã giảm gần một nửa. Tôi khoe bạn bè thì họ cũng mừng cho tôi, có người còn bảo sẽ thử học theo tôi xem vì cũng trả nhiều tiền điện quá.
Bản thân con người là sinh vật chứa đầy cảm xúc. Nhưng thứ cảm xúc tiêu cực sẽ dẫn đến hành động gây hại cho chính họ và cho xã hội. Sử dụng điện lãng phí là một trong những hành động đó.
Có người nói tôi hơi cực đoan khi ép mình phải tạo dựng được một thói quen là tắt hết điện dù chỉ đi ra ngoài vài phút. Nhưng theo tôi đó là thói quen tốt và quan trọng bởi nếu tự “du di” cho mình một lần làm sai thì về sau tôi lại quay trở về thói quen xấu là “không tắt điện khi ra ngoài”, rồi tôi sẽ lại quay về thành con người bừa bãi trước kia.
Thực tế, tôi đã từng có suy nghĩ “rồi mình sẽ trở lại phóng ngay thôi, tự nhiên tốn công tắt điện làm gì”, nhưng tôi lại tự gạt đi vì nếu chỉ vi phạm một lần thì tôi sẽ không chiến thắng chính mình.
Thói quen tốt sẽ hạn chế sự lười biếng, dù cảm xúc bắt chúng ta lười biếng nhưng với tiết kiệm điện thành thói quen, tôi đã chiến thắng được chính mình.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)