Độ tuổi trung bình bao nhiêu, ai nhiều tuổi nhất, ai ít tuổi nhất?
Thể thao Việt Nam đến Olympic 2024 với 39 thành viên trong đó có 16 VĐV (14 VĐV giành vé chính thức, 2 VĐV được trao suất đặc cách), 16 HLV - chuyên gia, 2 bác sĩ. Việt Nam sẽ tranh tài ở 11/32 môn thể thao tại Olympic 2024.
Các VĐV Việt Nam có độ tuổi trung bình tương đối trẻ là 25,14 tuổi. Nhiều tuổi nhất là VĐV Phạm Thị Huệ (34 tuổi) của đội tuyển đua thuyền rowing - người có rất nhiều kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế, nổi bật với 21 HCV ở các giải đấu châu Á. Ít tuổi nhất là 2 VĐV được suất đặc cách: Trần Thị Nhi Yến (điền kinh), Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) đều sinh năm 2005.
Hy vọng huy chương được đặt vào VĐV nào?
Trong lịch sử tham dự các kỳ thế vận hội trước đây, bắn súng đã mang về những tấm huy chương quý giá cho thể thao nước nhà, trong đó phải kể đến kỳ tích chói lọi là HCV và HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.
Ở đại hội lần này, Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam ít nhất một huy chương. Trịnh Thu Vinh - xạ thủ tổ súng ngắn thứ hai của Việt Nam sau Lê Thị Hoàng Ngọc giành một suất chính thức tham dự Olympic. Chuyên gia Park Chung-gun, người đã đồng hành cùng Thu Vinh trong một khoảng thời gian dài, tin tưởng cô học trò tài năng hoàn toàn đủ khả năng để trở thành xạ thủ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương Olympic ở môn bắn súng. Đồng đội của Thu Vinh là Mộng Tuyền cũng được đánh giá là một VĐV trẻ đầy tiềm năng khi giành hạng 5 nội dung 10 m súng trường hơi nữ tại giải bắn súng vô địch châu Á 2024, qua đó giành một suất tham dự Thế vận hội.
Ở bộ môn cử tạ, Trịnh Văn Vinh cũng được BHL đặt mục tiêu có ít nhất một huy chương ở nội dung cử giật hạng cân 61 kg nam. Trong quá khứ, đô cử sinh năm 1995 từng giành HCV thế giới năm 2017 trước khi phải nghỉ thi đấu vì án phạt do sử dụng doping. Tuy nhiên, VĐV người Long An đã chứng minh cho mọi người thấy sự nỗ lực để quay trở lại đỉnh cao của anh là hoàn toàn xứng đáng với tấm vé đến Thế vận hội mùa hè năm nay.
Các môn võ luôn là niềm hy vọng tìm kiếm huy chương của Việt Nam tại đấu trường thế giới. Quyền anh có hai đại diện Hà Thị Linh và Võ Thị Kim Ánh. Hai tay đấm vừa có thành tích rất ấn tượng tại vòng loại Olympic với lần lượt là tốp 3 hạng cân 60 kg nữ và tốp 4 hạng cân 54 kg nữ. Bên cạnh đó ở bộ môn judo, võ sĩ Hoàng Thị Tình sẽ thi đấu ở nội dung đối kháng hạng cân 48 kg. Nữ võ sĩ người Thanh Hoá đang có phong độ rất cao và vừa lọt vào tốp 100 thế giới được kỳ vọng sẽ tiếp đà thăng hoa sau chuỗi trận thi đấu tốt ở vòng loại.
Ở bộ môn cầu lông, mọi sự chú ý sẽ được hướng đến tay vợt Nguyễn Thùy Linh. Năm 2023-2024, VĐV người Phú Thọ đã thể hiện một phong độ chói sáng tại các giải đấu của hệ thống BWF, trong đó nổi bật nhất là thành tích lọt vào top 20 thế giới sau những màn trình diễn ấn tượng tại những giải đấu quan trọng. Mục tiêu của tay vợt sinh năm 1997 tại Olympic Paris không gì khác là việc tiến sâu nhất có thể để tích lũy thêm nhiều điểm số nhằm nâng cao thứ hạng của cô trên BXH của BWF hay thậm chí là hướng đến thành tích giành huy chương Olympic.
Bên cạnh những bộ môn thế mạnh, lực lượng của các nội dung thi đấu khác như xe đạp đường trường với cua rơ Nguyễn Thị Thật người có 3 lần giành HCV Giải vô địch đường trường châu Á, bắn cung với hai "mũi tên vàng" Lê Quốc Phong (người vừa lọt vào tốp 4 World Cup) cùng Đỗ Thị Ánh Nguyệt (hạng 17 tại giải World Cup) và kình ngư Nguyễn Huy Hoàng của môn bơi lội.
Đã được cấp chứng chỉ phòng chống doping hay chưa?
Theo yêu cầu Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), các VĐV phải có chứng chỉ phòng chống doping - ADEL (anti doping education and learning platform) do WADA cấp, mới được tham dự Olympic.
Một bác sĩ thể thao cho biết: "Các VĐV phải tham gia quá trình học tập với 14 module lý thuyết trực tuyến của chương trình (module ngắn nhất cần 10 phút để hoàn thành, có nhiều module lên tới 30 phút) do WADA cung cấp. Sau khi hoàn thành phần lý thuyết, các VĐV phải làm bài kiểm tra gồm 25 câu. VĐV đạt ít nhất 80% số điểm theo yêu cầu mới được WADA cấp chứng chỉ ADEL - cấp ngay bằng hình thức trực tuyến". 16 VĐV của Việt Nam đều đã được cấp chứng chỉ này.
Mức thưởng của nhà nước và doanh nghiệp thế nào?
Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ, VĐV Việt Nam giành HCV Olympic sẽ được thưởng 350 triệu đồng, nếu phá kỷ lục sẽ được thưởng thêm 140 triệu đồng (tổng cộng 490 triệu đồng). VĐV giành HCB Olympic được thưởng 220 triệu đồng; HCĐ Olympic được thưởng 140 triệu đồng.
Quỹ chiến lược thể thao quốc tế tại Việt Nam (ISF) - đối tác của Ủy ban Olympic Việt Nam, đã cam kết thưởng cho mỗi VĐV Việt Nam giành HCV Olympic số tiền 1 triệu USD (khoảng hơn 23 tỉ đồng), HCB là 500.000 USD (khoảng 11,5 tỉ đồng) và HCĐ là 200.000 USD (khoảng 4,6 tỉ đồng). Công ty TNHH Điện tử Thông minh TCL (VN) treo thưởng 1 tivi TCL 115 Inch X955 trị giá khoảng 700 triệu đồng cho VĐV bắn súng giành HCV Olympic 2024; 1 tivi TCL 98 Inch C855 trị giá gần 110 triệu đồng cho VĐV giành HCB; 1 tivi TCL 85 Inch C755 trị giá 50 triệu đồng cho VĐV giành HCĐ.
Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cam kết thưởng 500 triệu đồng cho 1 HCV, 300 triệu đồng cho 1 HCB và 200 triệu đồng cho 1 HCĐ Olympic. Liên đoàn Quyền anh Việt Nam công bố, mức thưởng cho 2 VĐV Hà Thị Linh và Võ Thị Kim Anh nếu giành HCV tại Olympic 2024 sẽ được nhận 500 triệu đồng, 350 triệu đồng nếu giành HCB và 200 triệu đồng cho HCĐ.
Được Pháp bố trí ăn ở ra sao, có gì đặc biệt?
Đoàn thể thao Việt Nam với 39 thành viên được Ban tổ chức Pháp đài thọ tiền ăn, di chuyển trong toàn bộ thời gian thi đấu tại Olympic. Việt Nam chi tiền vé máy bay và tiền tiêu vặt cho mỗi thành viên của đoàn.
Đoàn Việt Nam được bố trí tại làng VĐV ở bên cạnh sông Seine (Paris). Các HLV, chuyên gia, VĐV, cán bộ, bác sĩ sẽ ở tại 7 căn hộ tầng 6, 7 ,8 khu A23, cạnh đoàn thể thao Nhật Bản. Các căn hộ khép kín 2 người/phòng, mỗi tầng có 4 căn hộ loại 2 phòng ngủ, 3 phòng ngủ và 4 phòng ngủ. Riêng đội bắn súng ở tại làng VĐV Chateauroux, cách Paris khoảng 200 km.
Về thời gian phục vụ việc ăn uống tại làng VĐV: 24/7 từ ngày 18.7.2024. Các thành viên có thể qua các quầy đặc biệt để mang đồ ăn đi tập tại một số địa điểm trong làng. Đồ ăn trong làng rất phong phú, được chia thành các khu vực với chuyên đề ẩm thực riêng. Tất cả thành viên đoàn sẽ được phát thẻ lấy đồ uống miễn phí.
Xuất hiện tại lễ khai mạc với bao nhiêu thành viên?
Ban tổ chức Pháp sẽ không tiến hành lễ thượng cờ mà đã treo cờ các nước trước khi lễ khai mạc diễn ra. Đoàn Việt Nam sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic với 10 thành viên, gồm 6 VĐV và 4 thành viên đoàn (trưởng đoàn, cán bộ, HLV - chuyên gia). Đoàn đã khẳng định với Ban tổ chức Pháp, nhân sự cầm cờ Việt Nam tại lễ khai mạc là VĐV Lê Đức Phát (cầu lông) và Nguyễn Thị Thật (xe đạp). Cùng với các đoàn khác, đoàn Việt Nam sẽ diễu hành bằng thuyền.
Sự kiện khai mạc Olympic diễn ra trong khoảng 3 tiếng, từ 19 giờ 30 theo giờ địa phương ngày 26.7 (0 giờ 30 ngày 27.7, giờ Việt Nam) trên một đoạn sông Seine khoảng 6 km. Lễ bế mạc tổ chức từ 19 giờ 30 theo giờ địa phương ngày 11.8 tại sân vận động Stade de France.
Ban tổ chức Olympic bố trí khách sạn Hyatt Etoile tại Paris làm trụ sở của Ban tổ chức đại hội; dành cho chủ tịch, tổng thư ký các ủy ban Olympic. Mỗi đoàn được Ban tổ chức cấp 2 phòng kèm theo ăn sáng.
Bình luận (0)