|
Trong đơn thư kêu cứu gửi về nước, các thủy thủ cho biết, tàu New Horizon xuất phát từ Quảng Ninh từ 10.7.2012 đi Donghae (Hàn Quốc) - Vladivostock (Nga) - Akita (Nhật Bản) - Manila (Philippines) đến Karachi (Pakistan) ngày 9.11.2012 và nằm tại cảng này từ đó đến nay. Trong thời gian bị giữ tàu, toàn bộ thuyền viên rất hoang mang vì hết đồ ăn, nhiên liệu để sinh hoạt, nhiều thuyền viên bị ốm mà không có thuốc để điều trị. Tàu cũng đã nhiều lần gửi mail về kêu cứu nhưng không được công ty trả lời. Theo thủy thủ đoàn, hiện tàu đã bị cảng vụ trục xuất ra khỏi cảng, neo tại khu neo, bị cô lập hoàn toàn với trên bờ. Thậm chí, nguồn sống duy nhất là đi vét gạo rơi vãi trên cầu cảng để tồn tại nhưng đến nay không được nữa. Các thuyền viên cũng đã hết nhiên liệu để chạy máy sinh hoạt và nấu ăn từ lâu, phải dùng gỗ trên tàu để nấu ăn nhưng lượng gỗ này cũng sắp hết.
Trao đổi với Thanh Niên, theo ông Nguyễn Quế Dương, Tổng giám đốc Vinashinlines, công ty này đã làm thủ tục chuyển tiền hỗ trợ của công đoàn đến các thuyền viên, nhưng vấn đề lương khó giải quyết, do tài chính của doanh nghiệp này đang rất khó khăn. Ông Dương cũng cho biết, tàu New Horizon bị giữ lại do Vinashinlines chưa trả nợ được cho các đối tác cũng như tranh chấp liên quan đến hàng hóa.
“Việc giải phóng tàu khá khó khăn do hiện tại công ty không có đủ năng lực tài chính. Phương án khác là bán tại chỗ theo phương án tàu phá dỡ, vì tàu New Horizon nằm trong danh sách chủ trương được bán, và hiện tại cũng không khai thác được nữa, nhưng cũng chưa bán được”, ông Dương cho hay. Hiện tại, Vinashinlines còn 6 con tàu đang bị giữ lại rải rác tại nhiều cảng nước ngoài, nhưng do khó khăn tài chính nên chưa giải phóng được tàu nào. Khó khăn nhất là tàu New Phoenix đang bị giữ lại tại cảng Đại Liên (Trung Quốc), khi nhiệt độ tại đây dưới âm 15 độ, trong khi tàu lại không được cung cấp nhiên liệu đầy đủ, nên đời sống thuyền viên rất khó khăn.
Ngoài tàu New Horizon, các thuyền viên tàu Nam Long 03 thuộc Công ty TNHH vận tải biển Yên Cư (Quảng Ninh) đang phải neo lại tại cảng Tuban (Indonesia) từ 23.10.2012 đến nay, cũng đã gửi đơn kêu cứu về nước. Các thuyền viên cũng đã gửi đơn cho Đại sứ quán, Cục Hàng hải VN nhờ can thiệp, yêu cầu công ty trả lương. Trong khi đó, theo ông Đỗ Bá Dương, Giám đốc Công ty Yên Cư, do chậm vào lấy hàng nên tàu bị khách hàng hủy hợp đồng, phải neo lại tại cảng để chờ chuyến hàng mới. “Công ty đang nợ lương thuyền viên 4 tháng, khoảng 1,5 tỉ đồng. Chúng tôi đã chuyển tiền ăn cho các thuyền viên, việc đưa tàu về cũng đã có phương án và công văn gửi cho các thủy thủ, chậm nhất đến 5.1.2013 nếu không ký được đơn hàng mới sẽ cho tàu chạy không về nước”, ông Dương cho hay.
Mai Hà
Bình luận (0)