Cả 4 tàu cá vỏ thép không hoạt động và đã nằm bờ từ lâu tại bến cá Nam Hải, xã Đoàn Xá (H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), gồm tàu: HP-90735.TS - chủ tàu Nguyễn Văn Vượng; tàu HP-90768.TS - chủ tàu Nguyễn Văn Duy; tàu HP-90726.TS - chủ tàu Nguyễn Văn Chiều và 1 tàu HP chưa rõ số hiệu - chủ tàu Nguyễn Văn Thuấn.
Tàu hàng chục tỉ đồng nằm hoen rỉ, chờ bán với giá phế liệu
Cả 4 chủ tàu trên đều trú xã Đại Hợp, H.Kiến Thụy, được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, năm 2015 - 2016.
Các tàu có chiều dài 28 m; rộng 7,1 m; cao mạn 3,1 m; công suất 822 sức ngựa, lắp máy Mitshubishi (Nhật Bản).
Ngày 21.2, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp Đỗ Văn Tiến cho biết xã Đại Hợp giáp biển nên nghề chính của người dân là làm ngư nghiệp. Hưởng ứng Nghị định 67 của Chính phủ, cả H.Kiến Thụy chỉ có 4 hộ gia đình tại xã này làm thủ tục đăng ký đóng mới tàu vỏ thép vươn khơi. Vì nhiều lý do, sau 6 - 7 năm khai thác không hiệu quả, thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng nên các chủ tàu chán nản, bỏ lên bờ, 4 tàu cá của 4 chủ tàu nói trên đã bị ngân hàng siết nợ.
Hiện các tàu đang neo đậu tại cảng cá Nam Hải, xã Đoàn Xá, chờ làm thủ tục bán thanh lý.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, 4 tàu cá vỏ thép hiện đang bị hư hỏng nặng, hoen rỉ, xuống cấp toàn bộ. Tất cả thiết bị, bộ phận của tàu đều đã qua sử dụng, trong đó nhiều thiết bị đã hỏng, nhiều thiết bị không còn, như: hệ thống tời, hệ thống bơm nước, đèn chiếu sáng, rađar…
Công ty Đấu giá hợp danh VND (trụ sở tại Hà Nội) được Ngân hàng BIDV giao thực hiện bán tàu cá của ông Nguyễn Văn Thuấn, cho biết ngày 27.12.2022, công ty đã ra thông báo chào bán con tàu này với giá khởi điểm 3.353.400.000 đồng, nhưng đến ngày đấu giá 5.1.2023 vẫn chưa có ai bỏ giá mua nên lại phải ra thông báo chào đấu giá lần 2.
Ông Nguyễn Văn Chiều (chủ tàu HP-90726.TS, nhà ở thôn Cồn Mục, xã Đại Hợp, H.Kiến Thụy), là người tiên phong đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ tại Hải Phòng, cho biết: "Năm đầu tiên vươn khơi, tàu cá vỏ thép mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng những năm tiếp theo toàn thua lỗ…". Theo ông Chiều, bị thua lỗ là do chi phí tiền dầu máy, tiền trả cho người lao động tăng; ngư trường cạn kiệt. Mỗi chuyến vươn khơi 15 ngày với tàu vỏ thép thì tổng chi phí hết khoảng 180 - 200 triệu đồng. Trong đó, tiền dầu máy chiếm tới 80 triệu đồng, cao gấp đôi so với tàu vỏ gỗ.
Thua lỗ triền miên, không có tiền để bảo dưỡng, tu sửa tàu định kỳ, ông Chiều cho tàu nằm bờ, dẫn đến nhiều thiết bị trên tàu hư hỏng nhanh hơn.
Tháng 4.2022, vợ chồng ông Chiều làm thủ tục giao lại tàu cho ngân hàng theo hợp đồng tín chấp trước đó.
Cần có cơ chế chuyển nhượng tàu cá 67
Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, trong số 47 tàu cá đóng theo Nghị định 67, có 6 tàu bị ngân hàng kê biên, siết nợ (gồm 4 tàu cá vỏ thép của ngư dân xã Đại Hợp - H.Kiến Thụy làm nghề lưới rê, 1 tàu cá vỏ thép của ngư dân P.Vạn Hương, Q.Đồ Sơn làm nghề lưới rê, 1 tàu cá vỏ thép của ngư dân TT.Cát Bà, H.Cát Hải làm nghề dịch vụ hậu cần).
Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giá xăng, dầu tăng cao, cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu nên phần lớn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản đều gặp khó khăn trong đó có cả các tổ chức, cá nhân đóng tàu theo Nghị định 67.
Trước tình hình đó, chi cục đã động viên ngư dân; phối hợp các cấp, ngành chức năng tích cực tham mưu cho UBND TP.Hải Phòng đề xuất HĐND TP ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động thủy sản.
Cụ thể, đối với tàu đóng theo Nghị định 67, chi cục tham mưu UBND TP góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản gửi Bộ NN-PTNT hoàn thiện, trình Thủ tướng sớm ban hành.
Đáng chú ý, trong đó có đề xuất một số chính sách như: tăng hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ từ 50% lên 70% và mở rộng đối tượng được hưởng chính sách; cơ cấu lại thời gian trả nợ cho các chủ tàu gặp các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: tàu bị đâm va, tàu đóng bị kém chất lượng, chủ tàu bị bệnh, tai nạn không còn khả năng đi biển….; có cơ chế chuyển nhượng tàu cá đối với các trường hợp chủ tàu không còn đủ năng lực để khai thác thủy sản như kinh doanh thua lỗ kéo dài không có khả năng khắc phục, để họ được phép chuyển nhượng tàu cá; tăng mức hỗ trợ cho các tàu vỏ thép duy tu, sửa chữa.
TP.Hải Phòng có 47 tàu được đóng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với tổng kinh phí vay là 694,70 tỉ đồng; gồm 24 tàu vỏ thép (15 tàu làm nghề lưới chụp, 4 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần, 5 tàu làm nghề lưới rê), 23 tàu vỏ gỗ (20 tàu làm nghề lưới chụp, 2 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần, 1 tàu làm nghề lưới rê).
Các tàu đều có chiều dài lớn nhất trên 24 m, công suất từ 800 CV trở lên, được trang bị hiện đại. Trong đó: H.Thủy Nguyên (32 tàu), Q.Đồ Sơn (2 tàu), H.Bạch Long Vĩ (1 tàu) H.Kiến Thụy (4 tàu), Q.Lê Chân (1 tàu), H.Cát Hải (7 tàu).
Hiện nay, phần lớn các tàu vẫn đang hoạt động khai thác thủy sản.
Bình luận (0)