(Tin Nóng) Từ lúc khu trục hạm Mỹ USS Sampson vào vùng biển Java tìm kiếm cứu hộ máy bay AirAsia (chuyến bay QZ8501), đến nay thêm tàu USS Fort Worth tham gia, số thi thể được vớt là 15, nhờ các phương tiện hiện đại trên 2 tàu.
|
Theo ABC ngày 4.1.2015, tàu USS Sampson bắt đầu tham gia tìm kiếm cứu hộ máy bay AirAsia Indonesia từ ngày 29.12.2014, đã định vị và vớt nhiều thi thể cũng như vật dụng của máy bay. Chỉ huy tàu, ông Steven Foley nói với ABC rằng ông không khẳng định việc Indonesia nói đã tìm ra phần đầu và đuôi của máy bay, chứng tỏ việc tìm kiếm là không dễ dàng.
Để tăng khả năng dò tìm thi thể và xác máy bay, Hạm đội 7 Mỹ điều động thêm tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Foth Worth vừa mới đến đồn trú ở Singapore tham gia tìm kiếm. Ngày 3.1.2015, tàu này đã đến tham gia với tàu Sampson. USS Fort Worth mang theo thiết bị sonar dò tìm dưới nước tên là Tow Fish, tương tự thiết bị được sử dụng trong chiến dịch tìm máy bay MH370 ở Nam Ấn Độ Dương năm ngoái.
Đại úy phụ trách quan hệ công chúng của Hạm đội 7, Lauren Cole cho báo Marianas Variety (Micronesia) biết người nhái của Đơn vị lặn tìm cứu hộ di động số 1 được đưa lên tàu Fort Worth, bắt đầu công việc cùng với thiết bị dò sonar từ ngày 4.1 và 5.1.
Theo đại úy Cole, thiết bị sonar như Tow Fish được dùng để đo vẽ bản đồ đáy biển và cho hình ảnh rất sắc nét để phân tích.
Ông cũng thông tin thêm, sau khi tìm thấy nhiều thi thể trong 2 ngày 1 và 2.1, ngày 4.1 tàu Simpson còn vớt được 3 thi thể và đã chuyển cho phía Indonesia. Đến nay Simpson đã vớt 15 thi thể. Cũng trong ngày 4.1, tàu Simpson còn vớt được một số ghế ngồi hành khách.
|
Cả hai tàu Simpson và Fort Worth đều trang bị trực thăng MH-60R (2 chiếc trên tàu Sampson và 1 chiếc trên tàu Fort Worth), hoạt động liên tục ngày đêm để tham gia cứu hộ và vận chuyển thi thể cùng mảnh vỡ máy bay vào đất liền. Hai tàu còn có các xuồng cao su thả đội cứu hộ tìm kiếm trên mặt biển.
Hỗ trợ 2 tàu này là tàu tiếp tế USNS Carl Brashear (T-AKE-7) cung cấp nhiên liệu, thực phẩm.
Khi phóng viên ABC hỏi vì sao đến nay tàu Sampson chưa dò được dấu vết của thiết bị định vị tín hiệu của máy bay AirAsia dưới nước (tức hộp đen), ông Foley cho biết: "Chúng ta chỉ bắt được tín hiệu này trong khoảng cách chỉ từ 3,6 - 4,5 km, nên tàu phải di chuyển thật đúng hướng hoặc ở trong phạm vi của hộp đen mới có thể bắt được tín hiệu".
Máy bay AirAsia Indonesia, chuyến bay 8501 từ Surabaya đi Singapore đã rơi trên biển Java ngày 28.12.2014, làm thiệt mạng 162 người. Đến nay đã có hơn 30 thi thể được tìm thấy, phân nửa trong số đó do tàu Simpson vớt được và dùng trực thăng của tàu đưa vào bờ.
Chùm ảnh hoạt động tìm kiếm cứu hộ máy bay AirAsia của 2 tàu chiến Mỹ trên biển Java (nguồn: Hải quân Mỹ):
|
Anh Sơn
>> Máy bay AirAsia rơi: Vén màn ngành hàng không đầy sự cố của Indonesia
>> Vi phạm giấy phép, AirAsia sẽ bị cấm bay ở Indonesia ?
>> Máy bay AirAsia đã đáp an toàn xuống biển trước khi chìm ?
>> Đã vớt 30 thi thể nạn nhân QZ8501, 5 người còn ngồi trong ghế
>> Phát hiện 1 thi thể nạn nhân máy bay AirAsia mặc áo phao
>> Tìm thấy thi thể cùng áo phao, cửa thoát hiểm trên biển Java
>> Bắt đầu lặn tìm máy bay AirAsia
>> Máy bay AirAsia Malaysia từ Indonesia đến Singapore bị mất tích
Bình luận (0)