Tàu chiến Mỹ, Trung 'đãi bôi' trên Biển Đông

02/04/2016 07:00 GMT+7

Tuần dương hạm USS Chancellorsville của Mỹ đã có màn “hỏi thăm” căng thẳng với tàu Trung Quốc bám đuôi khi đang tuần tra trên Biển Đông.

Tuần dương hạm USS Chancellorsville của Mỹ đã có màn “hỏi thăm” căng thẳng với tàu Trung Quốc bám đuôi khi đang tuần tra trên Biển Đông.

Tuần dương hạm Mỹ USS Chancellorsville bị tàu hộ vệ Trung Quốc (phía xa) theo dõi ở Biển Đông - Ảnh: The New York TimesTuần dương hạm Mỹ USS Chancellorsville bị tàu hộ vệ Trung Quốc (phía xa) theo dõi ở Biển Đông - Ảnh: The New York Times
Tờ The New York Times hôm qua 1.4 tường thuật lại màn chạm mặt trong vùng biển gần Trường Sa diễn ra đầu tuần trước. Khi đó, USS Chancellorsville đang tuần tra trong khuôn khổ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông thì bất ngờ hệ thống liên lạc của tàu phát cảnh báo yêu cầu mọi quân nhân vào vị trí.
Lý do là một tàu hộ vệ Trung Quốc xuất hiện từ hướng đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của VN nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp, chạy thẳng về phía tàu Mỹ. Hơn nữa, từ boong tàu hộ vệ, một trực thăng cất cánh nhằm hướng USS Chancellorsville. Theo sau đó là một màn bám đuôi, dền dứ và đãi bôi với những lời “thăm hỏi” đầy ẩn ý.
Giây phút căng thẳng
The New York Times dẫn lời thủy thủ Anthony Giancana loan báo qua điện đàm: “Đây là tàu chiến hải quân Mỹ đang đi tuần”, và cố liên lạc với trực thăng nhưng phi công không phản ứng. Không khí trên tàu Mỹ trở nên căng thẳng khi không ai rõ ý đồ của phía Trung Quốc và chiếc trực thăng tiếp tục bay lòng vòng. Thuyền trưởng Curt A.Renshaw liên tục hội ý với các sĩ quan và hỏi thủy thủ chịu trách nhiệm điều hướng Kristine Mun: “Cô có bao giờ bị theo dõi chưa?”.
Sau một hồi lảng vảng, trực thăng Trung Quốc quay trở về nhưng tàu hộ vệ vẫn tiếp tục hướng tới chiến hạm Mỹ. Khi 2 tàu cách nhau khoảng hơn 9,6 km, hệ thống điện đàm bất ngờ vang lên bằng tiếng Anh: “Tàu chiến Mỹ 62... Đây là tàu chiến Trung Quốc 575”. Phía Mỹ lập tức đáp: “Đây là chiến hạm Mỹ 62. Chào buổi sáng. Đây là một ngày đẹp trời trên biển, hết”. Phía Trung Quốc không phản hồi dù phía Mỹ lặp lại câu chào hỏi trên. Thuyền trưởng Renshaw bực bội quay sang Niles Li, một thủy thủ biết tiếng Trung: “Anh lên đi. Họ không thể giả vờ không biết tiếng Trung”. Thế là ông Li nói vào điện đàm: “Tàu chiến Trung Quốc, đây là tàu chiến Mỹ 62. Hôm nay là một ngày tốt cho chuyến hải hành, hết”. Vài phút sau, hệ thống điện đàm lại vang lên, nhưng lần này bằng tiếng Trung: “Tàu chiến Mỹ 62, đây là tàu chiến Trung Quốc 575. Thời tiết hôm nay rất tuyệt. Rất vui khi gặp quý vị trên biển”. Ông Li đáp lại: “Đây là tàu chiến Mỹ 62. Thời tiết thật sự rất tuyệt. Chúng tôi cũng rất vui khi gặp quý vị trên biển, hết”.
Sau màn chào hỏi, phía tàu Trung Quốc bất ngờ chuyển sang hỏi bằng tiếng Anh: “Các vị rời khỏi cảng nhà bao lâu rồi, hết”. Thuyền trưởng Renshaw lập tức lắc đầu: “Không, chúng ta không trả lời câu hỏi đó”. Một sĩ quan khác nói qua điện đàm: “Tàu chiến Trung Quốc 575, đây là tàu chiến Mỹ 62. Chúng tôi không nói về lịch trình của mình. Tuy nhiên, chúng tôi đang tận hưởng thời gian trên biển, hết”.
Để thử xem có đúng là mình đang bị bám đuôi hay không, USS Chancellorsville bất ngờ rẽ hướng khác và quả nhiên là tàu Trung Quốc lập tức rẽ theo đồng thời tiếp tục hỏi: “Tàu chiến Mỹ 62, đây là tàu chiến hải quân Trung Quốc 575. Quý vị tiếp tục có chuyến hải hành lâu dài phải không, hết”. Thuyền trưởng Renshaw tiếp tục không chịu trả lời.
Theo The New York Times, những câu hỏi tưởng như vô thưởng vô phạt này thật ra đầy thâm ý. Nếu trả lời, tàu Mỹ chẳng khác nào thừa nhận rằng Trung Quốc có quyền biết rõ lịch trình và hoạt động của tàu nước khác trên Biển Đông và điều này sẽ ảnh hưởng đến tự do hàng hải. Do đó, ông Renshaw chỉ nói: “Chúng tôi đã nghe, tất cả chuyến đi của chúng tôi đều ngắn nên chúng tôi tận hưởng thời gian trên biển dù có cách cảng nhà bao xa đi nữa, hết”. Phía Trung Quốc đáp lại: “Chúng tôi đã nghe và sẽ ở với quý vị trong những ngày tiếp theo, hết”.
Những diễn biến này xảy ra vào ngày 23.3. Đến hôm sau, tàu hộ vệ Trung Quốc được thay thế bằng một chiếc khu trục hạm và tàu mới tiếp tục theo dõi cho đến khi tuần dương hạm USS Chancellorsville rời Biển Đông khuya 25.3.
Trung Quốc lên giọng với Mỹ
Cuộc chạm mặt giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc được tiết lộ chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm ở thủ đô Washington D.C. Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập tuyên bố trong cuộc gặp Trung Quốc sẽ “không chấp nhận bất kỳ hành động mạo danh duy trì tự do lưu thông để vi phạm chủ quyền và làm tổn hại lợi ích an ninh của nước này”. Đáp lại, ông Obama kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và bảo đảm tự do hàng hải, theo Reuters.
Trước cuộc hội đàm, ông cũng khẳng định Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác để xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương dựa trên trật tự và luật lệ, trong đó, tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ đều hành động theo chuẩn mực và nguyên tắc chung.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Mỹ - Ảnh: Reuters
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Mỹ - Ảnh: Reuters
Ngày 1.4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục lớn tiếng tuyên bố việc lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông “không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ”, theo Reuters. Tuyên bố này được cho là nhằm vào phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work khẳng định nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Ông Work cảnh báo ADIZ ở Biển Đông “sẽ là tác nhân gây bất ổn” và Washington sẽ phớt lờ ADIZ do bất cứ ai đơn phương thiết lập trong khu vực này.
Indonesia điều chiến đấu cơ “phòng trộm”
Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết nước này sẽ triển khai chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna nằm phía nam Biển Đông để “đề phòng trộm”.
Gần 2 tuần trước, Indonesia cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc cố đâm vào tàu Indonesia để giải cứu một tàu cá bị bắt vì đánh bắt trái phép trong vùng biển gần Natuna. Sau vụ việc, nhiều nghị sĩ tại Jakarta kêu gọi tăng cường phòng thủ ở Natuna, được xem là cửa ngõ vào Biển Đông của Indonesia. Nước này tuy không tham gia tranh chấp nhưng nhiều quan chức khẳng định Natuna cũng bị yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc “liếm” trúng.
“Natuna là một cánh cửa. Nếu cánh cửa không được bảo vệ thì kẻ trộm sẽ xâm nhập”, Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu nhấn mạnh và tiết lộ thêm quân đội Indonesia đã và sẽ triển khai tới Natuna lính thủy đánh bộ, đặc nhiệm không quân, tiểu đoàn lục quân, 3 tàu hộ vệ, hệ thống radar và nhiều máy bay không người lái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.