(TNO) Hàng ngày, những chiếc tàu thủy có trọng tải hàng ngàn tấn được cơi nới thủ công - giống như chiếc chuồng lợn vẫn vô tư chở gỗ từ bến Chi Nê (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) theo sông Bôi qua Ninh Bình để tới “đích” là cảng Cái Lân (Quảng Ninh) mà không hề bị lực lượng chức năng “sờ gáy”.
|
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên Online, dọc theo sông Bôi đoạn từ cầu Chi Nê đến huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) có khoảng 6 - 7 xưởng sản xuất gỗ dăm. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải chở gỗ (chủ yếu là cây keo) về tập kết tại các xưởng này. Công nhân tại đây sẽ bóc vỏ, điều khiển máy móc băm nhỏ cây keo thành gỗ dăm và đưa lên băng chuyền thả vào những chiếc tàu nằm chờ “ăn hàng” dưới sông. Để chở được nhiều sản phẩm gỗ dăm, các chủ tàu nghĩ ra việc cơi nới boong chở hàng bằng những bức tường rào gỗ, quây lưới cao từ 1 - 2m.
Tàu thủy cơi nới chờ ăn hàng - Ảnh: Hưng Khang
|
Tại khu vực bến Chi Nê có gần chục xưởng sản xuất gỗ dăm của người dân địa phương, cây keo, cây tràm... bày la liệt khắp các tuyến đường mòn; máy móc nghiền gỗ chạy tốc lực suốt ngày đêm.
Dăm gỗ tập kết trên bờ chờ xuống tàu - Ảnh: Hưng Khang
|
Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, tàu vận tải BKS NĐ-28.., TB-15... được cơi nới sơ sài cập bến Chi Nê “ăn hàng”. Khi gỗ dăm được chất lên đầy boong, chỉ trong một buổi sáng đã có cả chục chiếc tàu được đăng ký ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam… ì ạch rời cảng Chi Nê, chạy dọc sông Bồi qua địa phận tỉnh Ninh Bình để tiến về cảng Cái Lân.
Theo người dân địa phương, loại gỗ dăm này sẽ được tập kết lên những chiếc tàu vận tải lớn để xuất khẩu đi nước ngoài.
Hàng ngàn tấn dăm gỗ được đưa lên tàu bằng băng chuyền - Ảnh: Hưng Khang
|
Phản ánh với phóng viên, người dân địa phương cho biết các đoàn tàu này đã hoạt động nhiều năm nay nhưng không hề bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Những con tàu "lặc lè" vô tư đi lại trên sông - Ảnh: Hưng Khang
|
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, những chiếc tàu này đã vi phạm quy định về đăng kiểm phương tiện và xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. “Gỗ dăm là loại hàng hóa rời, khi vận chuyển trên sông mà cơi nới thùng để chở hàng như vậy sẽ không an toàn, đặc biệt là khi gặp điều kiện thời tiết xấu thì dễ bị xô lệch nguy hiểm. Trách nhiệm kiểm tra, xử lý việc này thuộc về lực lượng CSGT đường thủy địa phương”, ông Học nói và cho biết sẽ thông tin việc này tới lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý trong thời gian tới.
Bình luận (0)