'Tàu cuốc' lộng hành

03/12/2014 10:30 GMT+7

5 tháng trở lại đây, tàu cuốc (một hệ thống máy đào, hút cát sạn trên sông) hoạt động mạnh ở sông Bến Hải đoạn qua thôn Huỳnh Thượng (xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Linh).

Tàu cuốc và sà lan hút cát “lộng hành” trên sông Bến Hải, qua mặt cơ quan chức năng
Tàu cuốc và sà lan hút cát “lộng hành” trên sông Bến Hải, qua mặt cơ quan chức năng - Ảnh: Nguyễn Phúc

Người dân địa phương kêu cứu và “chỉ mặt” chính những chiếc tàu cuốc này là nguyên nhân của việc sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng, làm mất đất sản xuất và thiệt hại hoa màu...

Đi rồi đến

Một trong những người phản đối mạnh mẽ việc tàu cuốc trở lại khu vực và cũng là người đứng tên gửi đơn đi kêu cứu nhiều nơi trong từ tháng 8.2014 là ông Phan Công Tính (trú đội 4, thôn Huỳnh Thượng). Theo trình bày của ông Tính, gia đình ông được UBND H.Bến Hải cũ cấp 25ha đất sát bờ sông Bến Hải để canh tác từ năm 1989. Qua nhiều năm khai hoang, hiện nay trên phần đất này gia đình ông đã trồng nhiều diện tích cao su, keo lai, sắn và hoa màu... “Nếu như không có “tàu cuốc” hì hục hút cát sạn trên đoạn sông này thì gia đình tôi đã yên tâm để sản xuất”, ông Tính nói tiếc rẻ.

Không phải đến bây giờ ông Tính mới đi “gõ cửa quan” kêu cứu việc tàu cuốc lộng hành trên sông Bến Hải. Theo ông từ năm 2010-2011, Công ty Nam Việt Đức và Đào Dương đã lén lút khai thác cát sạn trên đoạn sông này. Nhưng đến năm 2012, khi được ngành chức năng cấp phép, tàu cuốc và sà lan chở cát của 2 công ty càng ngang nhiên quần đảo tại khu vực, làm người dân hết sức bức xúc.

Cũng theo ông Tính, do sự buông lỏng của các cơ quan quản lý nên tàu cuốc của 2 công ty nói trên liên tục khai thác lấn ra ngoài vị trí được cấp phép. Nhưng đến khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì lại cho tàu chạy về vị trí được cấp phép để “che mắt thánh”. “Họ cuốc ngày hút đêm làm cho đất đai 2 bên bờ sông sạt lở hết, lau lách và một số loại cây trồng của gia đình cũng theo đất trôi sông”, ông Tính cảm thán.

Cuối năm 2012, sau nhiều lần ông Tính và một số người dân “đội đơn” lên nhiều cơ quan chức năng thì đến tháng 6.2012, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Mai Thức đã có văn bản chỉ đạo vụ việc trong đó yêu cầu công ty Nam Việt Đức và Công ty TNHH MTV Đào Dương dịch chuyển phương tiện khai thác lên thượng nguồn, tránh xa khu vực bãi bồi của nhân dân canh tác đồng thời tiến hành cắm mốc ranh giới khu vực khai thác có giám sát của chính quyền. “Phải đến cuối 2012, 2 công ty này mới thực hiện chỉ đạo trên và người dân chúng tôi được bình yên gần 2 năm trời. Đùng một cái, tháng 7.2014 này hai công ty quay lại và hoạt động không khác gì vào thời điểm đầu năm 2012, mỗi ngày hút ít nhất 300m3 cát sỏi”, ông Tính chán ngán nói.

Vẫn với “chiêu bài” cũ, 2 công ty này đã làm cho người dân 2 bên bờ sông mất ngủ. Để có bằng chứng tố cáo và theo dõi mọi hoạt động của họ, ông Tính thậm chí đã phải sắm cả máy ảnh. Những hình ảnh mà ông Tính ghi lại cho thấy cả 2 công ty này liên tục “vượt rào” ra ngoài khu vực cấp phép để khai thác cát sỏi và những mảng đất lớn bị trôi tuột xuống nước để lại những hàm ếch khổng lồ bên sông.

Chưa kiểm tra đã biết trước?

Từ tháng 8.2014 đến nay, ông Tính tiếp tục cầm đơn thư đi cầu cứu các cơ quan chức năng, mong tìm lại sự bình yên nơi khúc sông giáp với khu đất mình canh tác hơn mấy chục năm qua. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 7.10.2014, một đoàn kiểm tra hùng hậu do Sở TN-MT dẫn đầu cùng các ngành liên quan đã ra khu vực này kiểm tra. “Họ ra kiểm tra thì tàu cuốc của 2 công ty lại chạy về vị trí cấp phép. Đi kiểm tra là phải bí mật, bất ngờ chứ đằng này họ đi một đoàn rất đông và được tàu của 2 công ty chở đi, hỏi sao mà bắt quả tang được?”, ông Phan Quang Trung, anh trai ông Tính nói.

Chính vì thế, biên bản làm việc sau đợt kiểm tra xác định 2 công ty này không khai thác sai vị trí nhưng đoàn kiểm tra vẫn yêu cầu 2 công ty dịch chuyển phương tiện, thiết bị khai thác lên phía thượng nguồn. Giải thích về điều có vẻ mâu thuẫn này, bà Lê Thị Vân Oanh, Trưởng phòng Khoáng sản và nước (Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị) phân bua: “Việc sạt lở bờ sông là do nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng việc hút cát sạn. Kể cả trong trường hợp họ khai thác đúng diện tích cho phép nhưng gây sạt lở bờ sông, xâm hại môi trường thì trong thẩm quyền của mình, chúng tôi vẫn yêu cầu họ dịch chuyển được”. Trước một số thông tin mà PV cung cấp thêm rằng, Công ty Nam Việt Đức và Đào Dương đang phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở, bà Oanh cho biết sắp tới sẽ đưa lực lượng xuống kiểm tra thêm một lần nữa. “Nếu họ vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ tham mưu để thu hồi giấy phép theo quy định”, bà Oanh nói.

Theo đuổi vụ việc nhiều năm, ông Tính không khỏi đặt ra sự hoài nghi rằng liệu có sự tiếp tay hay bao che nào đó của cơ quan chức năng hay không vì có như vậy tàu cuốc của 2 công ty này mới dám “lộng hành”. “Gia đình tôi cũng như các hộ 2 bên bờ sông thực sự chỉ muốn bình yên sản xuất nhưng sao khó thế. Cứ đà khai thác này mà không ngăn chặn thì sớm muộn gì sông cũng “ăn” hết đất, nhất là vào mùa lũ”, ông Tính thở dài.

Nguyễn Phúc

>> Bắt 3 ghe hút cát trái phép trong đêm
>> Băm nát sông Ayun để hút cát trộm
>> Bắt trên 100 phương tiện hút cát trái phép
>> Tạm giữ ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai
>> Bơm hút cát trái phép trên sông Thị Vải
>> Bắn thuyền viên, đốt tàu hút cát trong đêm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.