Người dân sống dọc hai bên đường ray chịu khổ vì ô nhiễm do các đoàn tàu gây ra - ảnh: Ngọc Thắng |
Phân dội thẳng xuống đường
Có mặt trên một số đoàn tàu, chúng tôi ghi nhận không ít NVS trên các toa không có giấy vệ sinh, các khay đựng xà phòng phục vụ hành khách rửa tay cũng trống trơn. Tại các buồng rửa mặt, rửa tay phía ngoài, mặc dù đã lắp đặt chỗ để xà phòng nhưng cũng không hề có một cục xà phòng nào cả. Khu rửa mặt vốn đã nhỏ hẹp lại càng thêm chật chội khi người ta đã đặt thêm vào đó chiếc thùng đựng rác và cả những chồng ghế nhựa.
Mỗi ngày các chuyến tàu Bắc - Nam xả xuống đường ray tới 4 tấn phân tươi và 60 ngàn lít nước tiểu |
||
TS Phạm Quốc Cường Trưởng phòng Khoa học công nghệ (Cục Đường sắt VN) |
||
TS Phạm Quốc Cường - Trưởng phòng Khoa học công nghệ (Cục Đường sắt VN) cung cấp một thông tin “độc”: mỗi ngày các chuyến tàu Bắc - Nam xả xuống đường ray tới 4 tấn phân tươi và 60 ngàn lít nước tiểu.
Chúng tôi có một lần từ TP.HCM đi Nha Trang trên một đoàn tàu thế hệ mới, nội thất cao cấp, máy điều hòa cực lạnh, mỗi buồng đều có màn hình LCD, NVS khá sạch sẽ, lavabo bóng loáng, bàn cầu giống như trên máy bay... Nhưng khi về tới ga Nha Trang lúc tờ mờ sáng, vừa bước xuống tàu nhìn thấy nước thải từ NVS ở các toa chảy ròng ròng xuống đường ray, ngay trước mắt hành khách. Sau một đêm trên tàu, ai nấy cũng phải tranh thủ đi vệ sinh trước khi rời khỏi tàu, cho nên mới có cảnh tượng không đẹp này.
Tình trạng vệ sinh trên tàu du lịch biển cũng tương tự. Ông Phan Xuân Anh, giám đốc một công ty du lịch tàu biển cho biết, chuyện các tàu chở khách trên vịnh Nha Trang, có NVS nhưng lại xả thẳng xuống biển ai cũng biết, vì đã tồn tại như điều hiển nhiên từ nhiều năm qua. Hiện trên vịnh Nha Trang có khoảng 250 tàu du lịch, hầu hết có NVS nhưng không khép kín. Tour trên vịnh phổ biến nhất là chương trình tham quan 4 đảo, thời gian mất 1 ngày. Du khách sẽ ăn uống trên tàu và mọi rác thải sinh hoạt đều tống hết xuống biển trong 1 ngày đó.
Dân lãnh đủ
Chị Nguyễn Thị Hồng Thu (ở thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định): “Cứ khoảng nửa đêm về sáng, họ lại quăng rác xuống” - Ảnh: Trần Thị Duyên |
Nhiều người dân sống cạnh đường sắt Bắc - Nam rất bức xúc trước việc xả rác vô tội vạ của những đoàn tàu. Bà Đoàn Thị Hồng (70 tuổi, ở thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, H.Tuy Phước, Bình Định) cho biết: “Ngày nào nó (tàu lửa) chẳng chạy qua đây rồi vứt rác xuống. Chủ yếu là hộp xốp đựng cơm, bao bì. Còn lại là đủ kiểu rác như đồ ăn thức uống thừa. Có hôm tui đang nấu ăn, nó ném cả một bì nôn ói xuống văng ra tùm lum…”.
Một điểm nóng khác về tệ xả rác từ tàu hỏa là đoạn đường tàu nằm ngay nút chắn với QL19 và QL1A, gần cầu Bà Di (xã Phước Lộc, H.Tuy Phước, Bình Định). Ông Võ Xuân Thường (79 tuổi) bày tỏ: “Tôi và nhiều hộ dân ở đây chỉ mong mấy đoàn tàu đi ngang qua chỗ này đừng ị xuống đường ray, bốc mùi hôi thối không chịu nổi. Rác như hộp xốp, bì nhựa còn dễ dọn chứ cái “của nợ” kia thì ai mà đi hốt hoài?”. Nhiều tiểu thương buôn bán cạnh cầu Bà Di cho biết, đoạn nào đông dân, có thanh tra thường xuyên thì đường ray mới sạch một chút. Còn lại, chỗ nào thưa nhà, vắng người thì người trên tàu cứ ném rác vô tư xuống ruộng rẫy của dân.
Tại người dân?! Ô nhiễm là vậy nhưng TS Lê Trọng Tuấn - Phó trưởng ban Khoa học công nghệ, Thường trực Ban chỉ đạo bảo vệ môi trường đường sắt lại cho rằng, nếu người dân không tự ý biến hành lang an toàn của đường sắt thành nhà ở, nơi buôn bán thì vấn đề xả thải chất vệ sinh trên tàu thẳng xuống đường ray cũng không quá đáng lo ngại. “Hành lang an toàn giao thông đường sắt rộng tối thiểu là 15m và cốt nền của đường sắt luôn có sự đàn hồi nên thoát nước nhanh, dưới ánh nắng mặt trời, chất thải vệ sinh sẽ bị phân hủy nhanh và như thế sẽ không để lại nhiều ảnh hưởng tới môi trường cũng như sức khỏe người dân”, ông Tuấn giải thích. |
Việc xả thẳng chất thải xuống đường khiến nhiều người bị ám ảnh bởi nỗi lo dịch bệnh lây lan. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài việc mở hàng quán kinh doanh, nhiều dải đất nằm kề sát hai mép đường ray xe lửa trên địa bàn H.Thanh Trì (Hà Nội) và rất nhiều địa phương khác nữa còn được bà con tận dụng để trồng rau xanh. Và với việc các NVS trên tàu đều xả thẳng xuống đường ray, ai dám chắc những luống rau xanh kia sẽ không bị bón phân tươi, nước tiểu. Và chuyện dịch bệnh lây lan từ đây là điều không thể tránh khỏi.
Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM bức xúc: "Đây là câu chuyện của lịch sử để lại và câu chuyện này phụ thuộc vào trình độ phát triển của quốc gia, vào vấn đề dân trí và "quan trí" nữa. Cho đến bây giờ, đại đa số chất thải của hành khách đi vệ sinh trên tàu đều thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên, rải khắp nơi ngang dọc trên đường ray, sông ngòi là chuyện không thể chấp nhận. Không nên để tiếp tục như vậy. Tôi biết ngành đường sắt cũng đã có nhận thức điều này và đã có bước đi đúng đắn khi cho lắp đặt NVS khép kín trên một số đoàn tàu. Đây là hành động tốt đẹp cho môi trường, nhưng việc triển khai quá trễ". Ông Phạm Văn Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, thì cho rằng, ngành đường sắt cũng muốn lắp đặt NVS khép kín trên tất cả các toa tàu, nhưng... "nhà nghèo" nên không có vốn đầu tư. Nhưng theo ông Đặng Văn Khoa, lắp đặt NVS khép kín dù tốn kém nhưng không phải chuyện quá lớn đối với đất nước ta. Điều này nằm trong tầm tay, vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi.
Nhóm PVKT
Bình luận (0)