Tính mạng ngư dân bị đe dọa
Đến bây giờ, ngư dân Trần Văn Đóa (63 tuổi, ngụ thôn Yên Liễu, xã Xuân Yên, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn còn rùng mình khi nhắc lại sự việc ông bị một số thuyền viên trên tàu giã cào ở tỉnh Nghệ An đánh trật khớp ngón tay, phải nằm viện điều trị suốt 1 tháng mới khỏi.
Ông Đóa kể, rạng sáng 22.3, ông cùng con trai lên thuyền, chạy ra cách bờ biển của địa phương khoảng 2 km để thả lưới đánh cá. Đến 8 giờ cùng ngày, khi đang trên đường trở về bờ thì thuyền của ông Đóa bị 2 tàu giã cào công suất lớn chạy đến áp sát, dọa đâm chìm.
“Một số thuyền viên trên 2 tàu cá này nhảy xuống thuyền của tôi đe dọa, vì cho rằng cha con tôi đang cắt lưới giã cào của họ. Mặc dù tôi giải thích chỉ vô tình chạy ngang qua để vào bờ nhưng họ vẫn nằng nặc vu khống cho cha con tôi. Những người này còn lấy tấm ván đánh vào người tôi đến thừa sống thiếu chết”, ông Đóa nhớ lại, và cho biết sự việc chỉ dừng lại khi con trai 15 tuổi đi cùng khóc lóc van xin những ngư dân hung hãn trên.
Theo ông Đóa, cứ đến thời điểm từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là tàu giã cào ngoại tỉnh lại kéo nhau vào vùng biển của địa phương để khai thác hải sản trái phép ở vùng lộng. Mỗi lần tàu giã cào quét qua, lưới của ngư dân bị kéo mất hoặc bị kéo đứt, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Bức xúc và uất ức, nhưng trước thái độ hung hăng của các ngư dân trên tàu giã cào, những ngư dân như ông Đóa phải cam chịu.
Khi vụ việc của ông Đóa chưa nguôi ngoai thì 3 ngư dân ở xã Thạch Kim (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) đi câu mực cũng bị tàu giã cào đâm chìm ngay giữa biển khơi. Rất may, cả 3 người này được 1 thuyền cá đánh bắt gần đó phát hiện, cứu sống kịp thời.
Ngư dân Nguyễn Văn Châu (65 tuổi) cho biết, tối 16.4, ông cùng 2 người cháu ra biển câu mực, cách bờ khoảng 1 hải lý. Đến khuya cùng ngày, 1 tàu giã cào chạy ngang qua, đâm chìm thuyền của ông. “Cả 3 ông cháu bị hất tung xuống biển, nhưng tàu giã cào này vẫn đánh lái bỏ đi. Rất may là chúng tôi vớ được can nhựa và thùng xốp nên không bị chìm theo thuyền. Đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau, chúng tôi may mắn được 2 anh em ruột đi trên thuyền cá đánh bắt gần đó phát hiện cứu sống. Lúc này ai cũng đã kiệt sức”, ông Châu bức xúc kể.
Gian nan truy quét tàu giã cào
Thực tế lâu nay các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc rất quyết liệt để truy quét tàu giã cào đánh bắt trái phép trên vùng biển của địa phương. Mặc dù đã có chế tài xử phạt, nhưng để dẹp bỏ dứt điểm vấn nạn này thì vẫn còn nhiều gian nan.
Mới đây, sáng 14.5, Đồn Biên phòng Thiên Cầm (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) trong lúc tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát hiện tàu cá công suất 420 CV do Trần Văn Tuấn (46 tuổi, ngụ tại Thanh Hóa) làm thuyền trưởng, cùng 5 thuyền viên trên tàu, đang khai thác hải sản trái phép bằng lưới giã cào. Khi bị phát hiện, tàu giã cào này không dừng lại mà còn đâm vào ca nô của lực lượng tuần tra để bỏ chạy.
“Mặc dù chúng tôi đã phải nổ súng bắn chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng chiếc tàu này vẫn không chịu dừng lại. Sau hơn 1 giờ truy đuổi với sự hỗ trợ của ngư dân trên biển, chúng tôi mới bắt được tàu này. Đa số các tàu giã cào khi chúng tôi phát hiện đều ra sức chống đối, gây khó khăn cho lực lượng vây bắt”, trung tá Võ Nhân Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thiên Cầm, nói.
Nói về việc ngư dân bị tàu giã cào đe dọa trên biển, thượng tá Trần Đức Phúc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), cho hay có thể ngư dân bị thù hằn vì làm “tai mắt” cho lực lượng chức năng, hoặc cũng do ngư dân vì bức xúc bị tàu giã cào phá hoại ngư trường nên cắt lưới của các tàu này. Tuy nhiên, do ngư dân thường không nhớ số hiệu tàu hành hung mình nên khó khăn cho công tác điều tra.
“Lực lượng làm nhiệm vụ trên biển hiện nay chỉ được trang bị tàu hoặc ca nô công suất nhỏ hơn nhiều so với tàu giã cào. Vì vậy, việc truy bắt thường phải cậy nhờ vào tàu đánh cá của ngư dân trên biển. Mặc dù phương tiện còn hạn chế nhưng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bắt 7 tàu giã cào, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bắt trái phép với số tiền hơn 100 triệu đồng”, thượng tá Phúc nói.
Theo thượng tá Phúc, muốn xử lý triệt để nạn giã cào, cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và tỉnh bạn. Đặc biệt, các xã bãi ngang cần yêu cầu ngư dân hành nghề giã cào ký cam kết không khai thác, đánh bắt trong vùng lộng.
Bình luận (0)