(Tin Nóng) Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, chiếc USS Lassen (DDG 82) bắt đầu tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam từ sáng 27.10.2015. Con tàu này đã “quen mặt” trên Biển Đông hơn 10 năm nay.
USS Lassen, tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên đi tuần trên Biển Đông hơn 10 năm nay - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Theo trang tin Hải quân Mỹ, tàu Lassen đã được điều động sang phục vụ ở khu vực tây Thái Bình Dương từ năm 2003, thuộc hạm đội 7 có căn cứ ở quân cảng Yokosuka, Nhật bản.
Tàu khu trục USS Lassen là tàu lớp Arleigh Burke, khởi đóng ngày 24.8.1998 tại xưởng đóng tàu Ingalls ở Pascagoula, bang Mississippi; hạ thuỷ và đặt tên ngày 16.10.1999. Ngày 21.4.2001, tàu USS Lassen chính thức được Hải quân Mỹ tiếp nhận.
Ngày 16.1.2003, tàu Lassen rời quân cảng San Diego ở California sang phục vụ khu vực tây Thái Bình Dương, đi cùng nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson.
Tàu này từng có 1 chỉ huy là người Mỹ gốc Việt, đó là ông Lê Bá Hùng, làm hạm trưởng từ 23.4.1999 đến 17.12.2010. Tháng 11.2009, tàu khu trục Lassen dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng Lê Bá Hùng (quê quán ở Huế) đã có chuyến thăm Đà Nẵng, Việt Nam.
Chỉ huy hiện nay của tàu Lassen là ông Robert Francis từ 13.5.2015.
Khu trục hạm USS Lassen của Mỹ tuần tra ở Biển Đông ngày 24.9.2015, xa xa là 1 tàu hộ vệ lớp Giang Hồ V của Trung Quốc bám theo - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Lassen là tàu khu trục thường xuyên tuần tra ở khu vực Biển Đông. Trong chuyến tuần tra Biển Đông mới nhất khởi hành từ quân cảng Yokosuka từ ngày 14.9.2015, tàu Lassen trải qua gần 4 tuần ở khu vực này, và ngày 19.10.2015 tàu ghé căn cứ hải quân Sepanggar tại đảo Kota Kinabalu, Malaysia trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị.
Đến ngày 23.10.2015, tàu Lassen rời Malaysia tiến hành tuần tra Biển Đông với nhiệm vụ là đi sâu vào vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động này được phía Mỹ thông báo từ trước đó, là nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.
Trong thời gian 4 tuần lễ tuần tra Biển Đông trước đó, tàu Lassen đã chạm mặt nhiều tàu chiến Trung Quốc, gồm tàu hộ tống Yueyang (575) và Yantai (538) lớp Jiangkai; tàu hộ tống - Dandong (543) lớp Jianghu. Trong các lần này tàu Lassen đã sử dụng bộ quy tắc ứng xử tránh xung đột bất ngờ trên biển (CUES) và liên lạc trực tiếp với tàu Trung Quốc để bảo đảm an toàn hàng hải.
Tại Biển Đông những tháng qua còn có các tàu chiến khác của Hải quân Mỹ tuần tra, gồm tàu khu trục USS Preble (DDG 88), tàu tuần dương USS Chancellorsville (CG 62), tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3).
Tàu khu trục USS Lassen có đội ngũ thuỷ thủ và sĩ quan hơn 300 người. Tàu dài 155 m, ngang rộng nhất 20 m, mớn nước 9,4 m, lượng choán nước 9.200 tấn; tốc độ tối đa 56 km/giờ, tầm hoạt động hơn 10.000 km, chạy bằng 4 động cơ turbin khí.
Hạm trưởng gốc Việt Lê Bá Hùng trên tàu khu trục USS Lassen trong lần tàu Lassen thăm Đà Nẵng hồi cuối năm 2009 - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
|
Tàu khu trục USS Lassen phóng tên lửa hành trình Tomahawk trong buổi diễn tập Multi-Sail 2015 ngoài khơi Guam ngày 26.3.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Tàu khu trục USS Lassen tiến vào Biển Đông để tuần tra xuyên qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông - Ảnh: Facebook tàu Lassen
|
Tàu Lassen vũ trang một lượng tên lửa hùng hậu, từ tên lửa đánh chặn máy bay và tên lửa đạn đạo đến tên lửa Tomahawk tấn công đất liền, tên lửa diệt hạm, ngư lôi chống ngầm… Tàu có 1 dàn phóng tên lửa thẳng đứng loại 32 ống và 1 dàn tương tự với 64 ống phóng. Hai dàn này dùng phóng tên lửa đánh chặn SM-2, tên lửa hành trình Tomahawk (96 quả), tên lửa chống tàu chiến ASROC.
Tàu có 1 pháo chính 127 mm, 2 pháo 25 mm, 4 súng phòng không 12,7 mm; 2 dàn súng bắn nhanh loại phòng không tầm gần Phalanx, 2 dàn phóng ngư lôi, tên lửa phòng không tầm gần Sea Sparrow. Tàu còn mang theo 2 trực thăng MH-60R Sea Hawk.
Lassen là 1 trong 8 tàu khu trục của Hạm đội 7 bố trí ở tây Thái Bình Dương, cảng chính là Yokosuka, Nhật Bản.
Anh Sơn
>> Năm 2016, tàu tác chiến cận bờ Mỹ mới có tên lửa
>> Sĩ quan hải quân Mỹ học tính toán thiên văn hàng hải thay GPS
>> Tàu tác chiến cận bờ của Mỹ không rà được mìn biển
>> Bên trong một tàu ngầm Mỹ theo dõi Trung Quốc gần Biển Đông
>> Tàu sân bay Ronald Reagan vừa sang châu Á liền diễn tập phòng không
>> Lầu Năm Góc tiếp tục nâng cấp hệ thống Aegis cho tàu chiến
>> Hải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của Trung Quốc như thế nào?
Bình luận (0)