(TNO) Quân đội Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ điều tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra Biển Đông vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016.
Một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển căn cứ tàu ngầm hạt nhân từ phía bắc nước này sang đảo Hải Nam trên Biển Đông, theo tờ The Australian (Úc) ngày 7.11.
“Trung Quốc không công bố nhiều thông tin về những tàu ngầm hạt nhân của họ, nhưng Mỹ dự đoán Hải quân Trung Quốc sẽ điều các tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra Biển Đông vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016”, nhà báo Úc Greg Sheridan cho hay trong bài viết đăng trên The Australian.
Nếu Trung Quốc điều tàu ngầm hạt nhân tuần tra Biển Đông thì đây sẽ là một thách thức lớn đối với Mỹ.
Mỹ trước đó đã cảnh báo những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này. Hôm 27.10, Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa.
Trung Quốc phản ứng gay gắt trước động thái của Mỹ và điều hai tàu khu trục bám đuôi USS Lassen. Nhưng các quan chức Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành những đợt tuần tra như thế này.
Chuyên gia Malcolm Cook, thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định: “Nếu Trung Quốc điều đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra ở Biển Đông sẽ biến vùng biển này trở thành đấu trường lớn giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ông Cook cho hay, những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa “có thể giúp bảo vệ đội tàu ngầm nước này”.
Trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, một tàu ngầm Trung Quốc (chưa rõ loại gì) đã bám đuôi tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ khi tàu này đang hoạt động trong vùng biển quốc tế gần Nhật Bản hôm 24.10, ba ngày trước khi Washington điều tàu USS Lassen tuần tra Biển Đông.
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng 4.2014, quân đội Trung Quốc sở hữu 56 tàu ngầm, trong đó có 51 tàu ngầm chạy bằng động cơ điện-diesel và 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc có 3 tàu ngầm hạt nhân có thể bắn tên lửa đạn đạo được triển khai ở đảo Hải Nam và khả năng sẽ triển khai thêm, cũng theo báo cáo của Lầu Năm Góc. Những tàu ngầm này mang theo tên lửa đạn đạo JL-2 có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn ước tính 7.400 km.
Với tầm bắn này, nếu được bắn từ giữa Thái Bình Dương, tên lửa đạn đạo JL-2 có thể đánh trúng các mục tiêu ở bang Hawaii và California của Mỹ, theo nhận định của ông Dean Cheng, nhà nghiên cứu về an ninh và chính trị Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ).
Bình luận (0)