(Tin Nóng) Tháng 4.1945, một tàu ngầm của phát xít Đức bị hư hỏng và chìm sau đó vì lý do cực kỳ buồn cười: do hệ thống toilet hiện đại trong tàu gây ra.
Tàu ngầm U-1206 của Đức trong chuyến tuần tra chiến đấu đầu tiên vào tháng 4.1945 đã bị tràn nước vào tàu vì hệ thống toilet hư hỏng - Ảnh: Uboat.net
|
Theo Warisboring ngày 17.9, thời Thế chiến II, tàu ngầm lớp VIIC của phát xít Đức là hung thần đối với các tàu hàng và tàu chiến của quân đồng minh. Tuy nhiên chiếc tàu ngầm số hiệu U-1206 của hải quân phát xít Đức lại không có vinh dự làm "hung thần" khi vừa mới có chuyến đi biển chiến đấu lần đầu vào tháng 4.1945 thì lại bị chìm vì lý do cực kỳ lãng xẹt: thuyền trưởng làm nước tràn vào tàu khi lúng túng với cái bồn cầu công nghệ mới nhất.
Thời Thế chiến II, trong khi toilet trên tàu ngầm của quân đồng minh chứa các chất thải vào bể tự hoại trong tàu, các tàu ngầm U-boat của phát xít Đức lại không muốn phung phí không gian quý báu trên tàu nên chọn giải pháp xả thải trực tiếp ra biển.
Nhưng hệ thống này chỉ làm việc khi tàu ngầm nổi lên gần bề mặt biển, nơi áp lực nước thấp.
Khi cuộc chiến kéo dài và quân đồng minh có công nghệ chống tàu ngầm phát triển, việc tàu ngầm Đức nổi lên ở vùng nước nông là điều nguy hiểm chết người. Nhưng vào năm 1945, công nghệ toilet trên tàu ngầm của Đức đã có bước tiến cực kỳ hiện đại. Các kỹ sư Đức đã sản xuất ra một hệ thống "toilet cao áp ở dưới lòng biển", cho phép xả thải trực tiếp khi tàu ngầm lặn sâu dưới biển.
Hệ thống vệ sinh này cực kỳ phức tạp. Đầu tiên, nó đưa chất thải của con người thông qua một loạt đường ống để đến một buồng áp suất, và từ đó khí nén sẽ tống chất thải ra biển như bắn một quả ngư lôi từ phía đuôi tàu
Mỗi tàu ngầm có một chuyên viên được đào tạo về quy trình vận hành hệ thống vệ sinh này. Có một thứ tự chính xác của việc đóng và mở các van để đảm bảo hệ thống này chạy theo hướng đúng.
|
Tàu ngầm U-1206 lớp VIIC. Đây là lớp tàu ngầm được phát xít Đức đóng nhiều nhất: 568 chiếc, và cũng là nhiều nhất trong lịch sử
|
Quay lại trường hợp tàu ngầm U-1206 biên chế vào hạm đội từ tháng 3.1944, và đến ngày 6.4.1945 mới có chuyến đi biển chiến đấu lần đầu tiên, và cũng là lần cuối. Thuyền trưởng là Karl-Adolf Schlitt, 27 tuổi. Tàu này được trang bị hệ thống toilet công nghệ mới nhất nói trên.
Ngày 14.4.1945, Schlitt và tàu ngầm của ông đã lênh đênh 8 ngày trong chuyến tuần tra chiến đấu đầu tiên. Lúc đó tàu ngầm đang ở độ sâu khoảng 60 m bên dưới biển Bắc. Thuyền trưởng Schlitt quyết định rằng ông có thể tự xài toilet mà không cần hướng dẫn.
Nhưng Schlitt gặp vấn đề khi sử dụng toilet, và phải gọi một kỹ sư đến để hỗ trợ. Viên kỹ sư đã vặn sai một cái van và dẫn đến sự c61 kinh hoàng: nước thải và nước biển lập tức tràn vào tàu ngầm thông qua cái bồn cầu.
Các chất lỏng khó chịu dâng đầy khoang vệ sinh và bắt đầu tràn vào buồng chứa các nguồn pin khổng lồ của tàu ngầm nằm ngay bên dưới phòng vệ sinh, gây ra phản ứng hóa học và phát ra khí clor.
Khi khí độc lan ra trong tàu ngầm, thuyền trưởng Schlitt cuống cuồng ra lệnh cho tàu nổi lên. Thuỷ thủ cho xả nước khỏi các két dằn và thậm chí bắn cả ngư lôi trong nỗ lực để tàu mau trồi lên mặt biển.
Nhưng chuyện tồi tệ chưa hết, khi tàu nổi lên thì bị máy bay và tàu tuần tra Anh phát hiện, vì vị trí tàu ngầm Đức trồi lên chỉ cách bờ biển phía bắc Scotland từ 12 đến 16 km. Tàu và máy bay Anh liền lao đến tấn công làm 1 thuỷ thủ chết. Thuyền trưởng Schlitt ra lệnh đánh chìm tàu, sau đó ông cùng các thuỷ thủ còn lại leo lên xuồng cao su thoát thân. Trong khi cố tiếp cận bờ biển Scotland, 3 thuỷ thủ Đức bị thiệt mạng vì sóng đánh văng xuống biển. Số còn lại được tàu Anh cứu và bắt làm tù binh.
Chiếc tàu ngầm U-995 lớp VIIC trưng bày ở Laboe, thành phố Kiel, Đức. Chiếc này tương tự chiếc U-1206 bị chìm do sự cố hư hỏng hệ thống vệ sinh trên tàu - Ảnh: Wikipedia
|
Xác tàu ngầm U-1206 nằm nguyên vẹn ở độ sâu 70 m cho đến giữa những năm 1970, khi công nhân đặt một đường ống dẫn dầu dưới nước và phát hiện thân tàu này.
Tàu ngầm lớp VIIC là loại tàu chủ lực của hạm đội tàu ngầm Đức quốc xã. Chiếc tàu ngầm lớp VIIC đầu tiên là U-69 được đưa vào hoạt động năm 1940, và đã có 568 chiếc được đóng trong thời gian chiến tranh, khiến đây là lớp tàu ngầm chiến đấu được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử.
Ngày nay chỉ còn một chiếc VIIC là U-995 đang được trưng bày như một bảo tàng ở Laboe, ngoại ô thành phố Kiel, Đức.
Anh Sơn
>> Tàu ngầm Kilo của Nga đã vào Biển Đen
>> Philippines sẽ sắm tàu ngầm Đức?
>> Cuộc sống của lính tàu ngầm Mỹ
>> Tàu ngầm Đà Nẵng đến Kaliningrad để tập luyện
>> Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực
>> Tàu ngầm ‘bí ẩn’ vừa hạ thuỷ của Nga là loại gì?
Bình luận (0)