Reuters đưa tin tàu Hướng Dương Hồng (Xiang Yang Hong) 03 đã cập cảng ở thủ đô Male của Maldives, theo dữ liệu của MarineTraffic. Tàu khởi hành từ thành phố Hạ Môn, thuộc tỉnh Phúc Kiến ở phía đông nam Trung Quốc, cách đây hơn một tháng.
Tàu này thuộc sở hữu của một viện nghiên cứu báo cáo cho Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc. Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy, trước khi cập cảng ở Male, tàu đã hoạt động ở vùng biển ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka trong hơn 3 tuần.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hoạt động nghiên cứu của tàu này "hoàn toàn" hướng đến các mục đích hòa bình, nhằm giúp tăng cường hiểu biết khoa học.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của các tàu nghiên cứu Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, ngay cả khi chúng không thuộc quản lý của quân đội Trung Quốc.
Một quan chức an ninh Ấn Độ từng tuyên bố các tàu này là tàu "lưỡng dụng", nghĩa là dữ liệu mà tàu thu thập được có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Tàu Hướng Dương Hồng 03 đã đến Ấn Độ Dương nhiều lần. Tàu từng đi qua eo biển Sunda ở Indonesia vào năm 2021, khiến giới chức nước này cảnh giác. Khi đó, họ cho biết tàu đã tắt hệ thống theo dõi ba lần. Các tàu nghiên cứu của Trung Quốc cũng từng ghé qua Sri Lanka.
Năm 2022, tàu Viễn Vọng (Yuan Wang) 5, một tàu quân sự có khả năng theo dõi các vụ phóng tên lửa và rốc két, đã cập cảng ở Colombo (Sri Lanka), khiến Ấn Độ chú ý.
Lần cuối cùng một tàu nghiên cứu Trung Quốc cập cảng Sri Lanka là vào tháng 10.2023, làm dấy lên lo ngại của New Delhi. Song vào tháng 1, Sri Lanka đã áp đặt lệnh cấm kéo dài một năm đối với các tàu nghiên cứu nước ngoài, qua đó khiến các tàu Trung Quốc không thể tiến hành các chuyến thăm.
Sự xuất hiện của tàu Hướng Dương Hồng 03 ở Male diễn ra sau khi Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu thăm Trung Quốc vào tháng 1 và nâng cấp quan hệ song phương. Bắc Kinh đã cung cấp 920 triệu nhân dân tệ (128 triệu USD) "viện trợ miễn phí" cho Male.
Maldives cho biết tàu này sẽ không thực hiện nghiên cứu nào trong vùng biển của mình mà chỉ dừng lại để luân chuyển nhân sự và bổ sung nhu yếu phẩm.
Bình luận (0)