Tàu nước ngoài dạt vào Cù Lao Chàm: Khẩn trương ứng phó sự cố môi trường

Mạnh Cường
Mạnh Cường
04/12/2023 21:44 GMT+7

Liên quan đến vụ tàu nước ngoài dạt vào bờ biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu lên phương án xử lý sự cố, bảo vệ môi trường.

Chiều 4.12, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), chủ trì buổi làm việc với các đơn vị liên quan về phương án xử lý sự cố, bảo vệ môi trường do tàu King Rich bị trôi dạt vào vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam).

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho hay khoảng 10 giờ 30 ngày 1.12, tàu King Rich trôi dạt vào bờ biển đảo Cù Lao Chàm. Đến 11 giờ 5 phút cùng ngày, tàu mắc cạn tại khu vực bãi Dứa (thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp).

Tàu nước ngoài dạt vào bờbiển Cù Lao Chàm: Khẩn trương ứng phó sự cố môi trường - Ảnh 1.

Tàu King Rich trôi dạt vào bờ biển Cù Lao Chàm

NAM THỊNH

Chiều 1.12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp và giao cho Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung, UBND TP.Hội An và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quản lý, bảo vệ tàu King Rich, không để chìm đắm, hư hỏng và lập phương án ứng phó, tránh để xảy ra sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực biển Cù Lao Chàm.

Ngoài ra, nghiên cứu phương án lai dắt tàu ra khỏi vị trí bị mắc cạn để tiếp tục xử lý, tìm chủ sở hữu tàu...

Lúc 16 giờ 30 phút ngày 1.12, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiếp cận và thả 1 neo của tàu King Rich. Sau khi thả neo, tàu King Rich được cố định tại chỗ, không bị trôi. Qua kiểm tra sơ bộ tàu, boong tàu, cabin, các khoang tàu được khóa chặt.

Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết đến hôm nay (4.12) các lực lượng mới tiếp cận hiện trường khảo sát tàu và sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất.

Bộ đội biên phòng tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ mang theo trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu (phao quây, máy bơm hút, bể chứa....) có mặt tại hiện trường, khẩn trương tổ chức quây phao chống tràn dầu, trực tại khu vực tàu King Rich đang neo đậu để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất.

Theo đại tá Hiền, qua báo cáo sơ bộ, tàu King Rich chuyên dùng chở dầu, không chở hóa chất. Hiện tại, trên tàu các hầm hàng có tất cả 22 két không có dầu, trong khoang máy có tất cả 8 két dầu (6 két FO, 2 két DO) dùng để chạy máy của tàu.

Tại cuộc họp, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) xây dựng phương án xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường từ tàu King Rich nếu có sự cố xảy ra.

Thông tin tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam thông tin tàu King Rich có quốc tịch Sierra Leone (Tây Phi), trọng tải gần 14.000 tấn, chiều dài 132 m, chiều rộng 21 m thuộc sở hữu Công ty TNHH Kindom trụ sở đăng ký tại TP.Đài Nam (Đài Loan).

Tàu nước ngoài dạt vào bờbiển Cù Lao Chàm: Khẩn trương ứng phó sự cố môi trường - Ảnh 2.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ phát biểu tại buổi làm việc

NAM THỊNH

Tàu King Rich không có hàng hóa, khởi hành từ cảng Kaohsiung (Đài Loan), khi đang đến vùng biển Philippines thì gặp thời tiết xấu, trục chân vịt tàu bị gãy. Toàn bộ 16 thuyền viên của tàu được một tàu gần đó cứu nạn, sau đó bàn giao cho cảnh sát biển Philippines.

Phát biểu tại cuộc họp, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan, ban ngành của tỉnh trong việc sẵn sàng ứng phó sự cố liên quan trường hợp tàu King Rich. Đồng thời, yêu cầu phải tính toán chặt chẽ để không xảy ra sự cố, nhất là sự cố trong khu vực khu bảo tồn Cù Lao Chàm.

Thiếu tướng Tỵ cho rằng phương tiện đang hoạt động bình thường, nhưng khi gặp sự cố tai nạn, thủy thủ rời tàu là đúng quy định. Do đó, khi tàu trôi dạt vào địa phận nước ta, phải tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu làm công việc lai kéo, nhận lại tài sản. Các cơ quan chức năng của tỉnh, T.Ư phải phối hợp chặt chẽ, có phương án tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ tàu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.