Theo tờ The Straits Times, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu tiến hành tập trận chung với 2 tàu hải quân Singapore tại vùng biển quốc tế phía nam Biển Đông. Trong 2 ngày 6 - 7.4, binh sĩ hai bên phối hợp diễn tập phòng không, liên lạc, nã pháo diệt mục tiêu trên biển...
The Straits Times dẫn lời giới chức Mỹ cho hay hoạt động này nhằm nâng cao khả năng phối hợp cũng như thắt chặt quan hệ hợp tác hải quân song phương. Trong thông cáo đưa ra hôm qua, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ nhấn mạnh nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra an ninh biển và huấn luyện với đồng minh, đối tác trong khu vực. USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay Mỹ thứ hai hiện diện ở Biển Đông trong vòng 2 tháng qua. Trước đó, tàu USS Carl Vinson có nhiều hoạt động tại khu vực kể từ tháng 2 và đã có chuyến thăm lịch sử tới Đà Nẵng từ ngày 5 - 9.3.
Cũng trong thời điểm này, hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật từ 5 - 11.4 ngoài khơi đảo Hải Nam. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không xác nhận cụ thể số lượng tàu tham gia, nhưng Reuters đăng tải hình ảnh từ vệ tinh cho thấy khoảng 40 tàu chiến nổi và tàu ngầm hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập. Giới chuyên gia Trung Quốc tuyên bố đây là một trong những lần quy tụ lực lượng đông đảo nhất của hải quân nước này.
Cũng trong ngày 7.4, tờ Manila Bulletin dẫn lời Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách khu vực Đông Nam Á Patrick Murphy nhấn mạnh Biển Đông vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Washington. Theo ông, dù không tham gia tranh chấp nhưng Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và thương mại thông suốt tại Biển Đông. Hôm 23.3, khu trục hạm Mỹ USS Mustin đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, đang bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp. Đây là lần thứ ba dưới thời Tổng thống Donald Trump, tàu Mỹ áp sát đá Vành Khăn.
Mặt khác, ông Murphy cho hay Mỹ ủng hộ cuộc đàm phán hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và mong muốn quá trình này diễn ra minh bạch, dẫn tới kết quả có tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế. “Không nên có quốc gia nào bắt nạt hay ép buộc các bên khác để cho ra kết quả theo ý mình”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay vấn đề Biển Đông có thể sẽ được thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hải Nam vào ngày 10.4, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Đến nay, ông Duterte vẫn giữ lập trường tìm kiếm đối thoại với Bắc Kinh hơn là gây áp lực dựa trên phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Hiện Philippines và Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu về thỏa thuận thăm dò, khai thác dầu khí chung ở Biển Đông.
Mỹ đáp trả phản đối về Đài Loan
Ngày 7.4, tờ Taipei Times dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu phòng vệ của Đài Loan để bán vũ khí theo quy định trong Đạo luật quan hệ với Đài Loan. Vị phát ngôn viên nhấn mạnh thêm 7 đời chính quyền Mỹ trước đó đã duy trì việc bán vũ khí cho Đài Loan và Washington sẽ tiếp tục hoạt động này. Những phát biểu trên nhằm phản ứng tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải “phản đối Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan” và Bắc Kinh đang theo dõi sát sao quan hệ Đài Bắc - Mỹ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc, ông Thôi còn nói “không ai có thể ngăn chặn tái thống nhất” và Trung Quốc “sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để đạt mục tiêu này”.
|
Bình luận (0)