Tàu sân bay nội địa của Trung Quốc có gì?

05/01/2016 15:00 GMT+7

Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc được cho là bản sao của chiếc thứ nhất nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ tác chiến.

Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc được cho là bản sao của chiếc thứ nhất nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ tác chiến.

Chiến đấu cơ J-15 huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh	- Ảnh: 81.cnChiến đấu cơ J-15 huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: 81.cn
Sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tuần trước xác nhận Bắc Kinh đang đóng hàng không mẫu hạm thứ hai, một số chuyên gia quân sự đã có những bình luận khác nhau về tàu mới.
Điều này có thể xuất phát từ việc phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân không cung cấp nhiều chi tiết về chiếc tàu sân bay tự đóng đầu tiên của nước này. Tại cuộc họp báo ngày 31.12, ông Dương chỉ cho biết thiết kế tàu mới được thực hiện dựa trên kinh nghiệm từ chiếc đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Tàu này đang được đóng tại cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, có độ choán nước 50.000 tấn, nhỏ hơn tàu Liêu Ninh (58.500 tấn). Tàu sẽ hoạt động bằng năng lượng thông thường, được thiết kế dành cho chiến đấu cơ J-15 và có hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu như chiếc đầu tiên.
“Bản sao” của tàu thời Liên Xô
Tàu sân bay đang được đóng sẽ là hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc vì tàu Liêu Ninh đã được đóng từ thời Liên Xô, do Ukraine bán lại cho Trung Quốc vào năm 1998. Sau hơn một thập niên cải tạo và trang bị, Trung Quốc mới đưa tàu này vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên của Trung Quốc vẫn là bản sao của tàu Liêu Ninh với một số phần được cải tiến nhằm đẩy mạnh khả năng tác chiến trong bối cảnh căng thẳng trên các vùng biển khu vực đang leo thang, theo tờ South China Morning Post.
Một số nhà phân tích chỉ ra tàu mới sẽ nhẹ hơn tàu Liêu Ninh nhưng có thể chứa nhiều chiến đấu cơ hơn và những chiếc J-15 đang huấn luyện trên tàu Liêu Ninh có thể chuyển sang hoạt động trên tàu mới này. Trong đó, thiếu tướng về hưu của Trung Quốc Từ Quang Dụ cho rằng Bắc Kinh có thể đã sẵn sàng phát triển hệ thống phóng máy bay, nhưng lại chọn hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu lạc hậu hơn vì nó giúp J-15 nhanh chóng chuyển tiếp hoạt động huấn luyện và chiến đấu sang tàu mới.
Ngay cả Hoàn Cầu thời báo cũng khẳng định tàu sân bay thứ hai “chia sẻ vài đặc tính tương đồng với tàu Liêu Ninh”. Trong một bài xã luận, tờ báo thường có giọng điệu hiếu chiến thừa nhận: “Xét đến những đặc tính quan trọng của tàu sân bay thứ hai, chúng ta vẫn tụt hậu so với những tàu tiên tiến nhất của Mỹ... Theo tình hình hiện nay, Trung Quốc phải mất thêm nhiều thập niên nữa mới có thể đóng tàu sân bay đẳng cấp thế giới”.
Trong khi đó, chuyên gia Tào Vệ Đông tại Viện Nghiên cứu quân sự hải quân Trung Quốc bình luận với Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc rằng tàu sân bay mới có nhiều điểm khác biệt với tàu Liêu Ninh. Ông lập luận chiếc thứ hai sẽ có hệ thống chân vịt mới hoàn toàn, thân tàu được thiết kế độc lập, dùng loại thép đặc biệt do Trung Quốc sản xuất. Ông này còn khẳng định hàng không mẫu hạm mới sẽ được trang bị nhiều hệ thống vũ khí như tên lửa phòng không tầm ngắn và pháo khai hỏa nhanh cùng radar tiên tiến nhất của Trung Quốc.
Át chủ bài mới
Cũng theo ông Tào, tàu sân bay thứ hai là bước đi mới nhất của Trung Quốc trong việc thiết lập hải quân “viễn dương”, tức có năng lực hoạt động ở các vùng biển xa. Ông nói rõ: “Chiến lược hải quân Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể từ việc phòng thủ gần bờ sang các sứ mệnh hộ tống ở vùng biển xa. Việc phát triển tàu sân bay mới sẽ giúp hải quân có thêm khả năng tiến hành các sứ mệnh hộ tống và bảo vệ tuyến đường biển dọc con đường tơ lụa biển thế kỷ 21”.
Chuyên gia này khoe rằng tàu sân bay thứ hai sẽ mang lại cho Trung Quốc thêm nhiều quyền lực trong vấn đề tranh chấp trên biển. Còn theo đồng nghiệp của ông Tào là học giả Trương Quân Xã, tàu sân bay mới sẽ nhận nhiệm vụ khác với tàu Liêu Ninh. “Chúng ta dùng tàu Liêu Ninh để kiểm tra độ tin cậy và tính tương thích của các hệ thống trên tàu sân bay và huấn luyện. Chiếc tàu sân bay thứ hai sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ của một tàu sân bay thật sự là tuần tra tác chiến và cung cấp hỗ trợ nhân đạo”, ông Trương nhận định với tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân (PLA) Trung Quốc.
Ông Trương cho rằng Trung Quốc cần đóng khẩn cấp tàu sân bay thứ hai vì nước này đang muốn cải thiện hệ thống phòng thủ và tăng cường bảo vệ cái gọi là lợi ích quốc gia. “PLA cần ít nhất 3 tàu sân bay: một chiếc có thể tác chiến, một chiếc huấn luyện trong khi chiếc còn lại được bảo trì”, ông Trương khẳng định.
Trung Quốc đầu tư mạnh cho Hạm đội Nam Hải
Theo tạp chí Kanwa Defence Review, tính đến cuối năm 2015, hải quân Trung Quốc đã có ít nhất 12 khu trục hạm tiên tiến thuộc lớp Type 052D và 22 tàu hộ vệ đa năng Type 054A. Trong đó, Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, được ưu tiên trang bị tàu chiến hiện đại so với 2 hạm đội còn lại của Trung Quốc. Bằng chứng là cho đến nay chỉ có Hạm đội Nam Hải sở hữu tàu Type 052D (tổng cộng 3 chiếc và có thể nhận chiếc thứ 4 vào tháng 3.2016).
Một đại tá Trung Quốc về hưu vừa tiết lộ rằng nhiều tàu hiện đại như Type 052D đang được triển khai đến Biển Đông, theo tờ South China Morning Post.
Hồi tháng rồi, hạm đội này còn nhận 1 tàu do thám, 1 tàu tiếp tế và 1 tàu khảo sát. Khi đó, mạng Guancha.com (Trung Quốc) ngang nhiên loan tin tàu tiếp tế có thể chở binh sĩ luân phiên đến quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.