Tàu thăm dò của Trung Quốc đến quỹ đạo mặt trăng, chuẩn bị quay về

28/10/2014 05:00 GMT+7

(TNO) Tàu thăm dò thử nghiệm của Trung Quốc, được thiết kế cho nhiệm vụ bay vòng quanh mặt trăng và trở về Trái đất, vào hôm 27.10 đã đi vào quỹ đạo mặt trăng và đang chuẩn bị những bước cần thiết cho chuyến bay trở về.


Tàu thăm dò Hằng Nga 3 đang có mặt trên mặt trăng - Ảnh: AFP

>> Trung Quốc sắp phóng tàu thăm dò mặt trăng có thể quay về Trái đất

Theo Tân Hoa xã, tàu thăm dò trên được Trung Quốc phóng vào không gian ngày 24.10 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3C. Vào quỹ đạo mặt trăng trưa 27.10, tàu theo dự kiến sẽ bay quanh "chị Hằng" trong 32 giờ rồi trở về Trái đất.

Hiện tại con tàu thăm dò mới nhất của Trung Quốc này bay quanh mặt trăng ở quỹ đạo 60.000 km và đang điều chỉnh các bước cần thiết nhằm chuyển từ quỹ đạo mặt trăng để trở về quỹ đạo Trái đất, dự kiến diễn ra vào cuối ngày 28.10.

Khi thâm nhập bầu khí quyển Trái đất, con tàu thử nghiệm sẽ giảm tốc độ từ vận tốc 11,2 km/giây trong một quá trình ma sát tạo nhiệt cực lớn nhằm kiểm tra sức chịu nhiệt của thân tàu.

Được biết, sứ mệnh kéo dài tám ngày này là bước đi thử nghiệm công nghệ cho tàu Hằng Nga 5, dự kiến được phóng vào năm 2017 nhằm bay đến đáp xuống bề mặt mặt trăng, thu lấy mẫu vật gồm đất, đá... rồi cất cánh mang chúng trở về Trái đất.

Hồi giữa tháng 12 năm ngoái, tàu Hằng Nga 3 đã đáp lên bề mặt mặt trăng và thả tàu tự hành Thỏ ngọc ra để thám hiểm "chị Hằng", giúp chương trình mặt trăng của Trung Quốc (gồm ba giai đoạn là quỹ đạo, hạ cánh, cất cánh) hoàn tất giai đoạn hai.

Giai đoạn ba của chương trình này với tàu Hằng Nga 5 và 6 sẽ khó khăn hơn bởi nhiều thách thức công nghệ phải vượt qua như tàu thăm dò cất cánh từ bề mặt mặt trăng, thu giữ và đóng gói mẫu vật, lắp ghép trên quỹ đạo mặt trăng, trở về Trái đất với tốc độ cao...

Trước sứ mệnh Hằng Nga 3, đất nước đông dân nhất hành tinh đã hai lần gửi tàu thăm dò bay đến quỹ đạo vệ tinh tự nhiên của Trái đất là Hằng Nga 1 và Hằng Nga 2.

Vào tháng 10.2007, tàu Hằng Nga 1 bay vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3A. Con tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc này đã gửi về Trái đất một số hình ảnh bề mặt "chị Hằng" trước khi kết thúc sứ mệnh với việc đâm vào mặt trăng sau 16 tháng chu du trong không gian.

Tiếp đó, vào tháng 10.2010, tàu Hằng Nga 2 rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tây nam tỉnh Tứ Xuyên để bay đến quỹ đạo mặt trăng cùng sứ mệnh vẽ bản đồ chi tiết về vệ tinh này.

Trong tham vọng không gian của mình, Trung Quốc dự tính sẽ gửi người lên mặt trăng vào năm 2020.

Tiến Dũng

>> Trung Quốc phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng vào năm 2017
>> Tàu tự hành Thỏ ngọc của Trung Quốc gửi hình ảnh về Trái đất
>> Tàu tự hành của Trung Quốc lăn bánh trên mặt trăng
>> Trung Quốc muốn dùng mặt trăng như một căn cứ quân sự?
>> Mảnh vỡ tên lửa phóng tàu tự hành mặt trăng đâm xuống nhà dân
>> Trung Quốc phóng tàu tự hành lên mặt trăng
>> Trung Quốc sắp đưa 'Thỏ ngọc' bay đến 'chị Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.